Mục lục
Đó là một trong những lưu ý lớn nhất mà mình gửi đến các bạn học viết với mình. Dù rằng chúng ta bắt đầu viết bằng bản năng, không biết nhiều về ngữ pháp nhưng quy tắc cơ bản từ tiếng Việt lớp 2 này chắc chắn phải nhớ. Đó là một câu luôn cần đủ chủ ngữ và vị ngữ, trừ những trường hợp đặc biệt khi muốn sử dụng thủ pháp trong diễn đạt.
Ngoài chủ ngữ và vị ngữ, trong câu sẽ có thêm các thành phần khác như trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ. Nhưng trong phạm vi bài viết này, mình chỉ muốn nói đến 2 thành phần cơ bản nhất và yêu cầu cần thiết phải có trong một câu.
Chủ ngữ
Chủ ngữ là bộ phận thứ nhất trong câu, nêu người hay sự vật làm chủ sự việc. Phần lớn danh từ và đại từ giữ chức vị là chủ ngữ trong câu, các loại từ khác, đặc biệt là tính từ và động từ (gọi chung là thuật từ) cũng có khi làm chủ ngữ.
Trong trường hợp này, tính từ và động từ được hiểu như một danh từ. Chủ ngữ có thể dùng trả lời câu hỏi: Ai? Cái gì? Con gì? Việc gì? Sự vật gì?,…
Một số ví dụ của câu thiếu chủ ngữ:
“Hôm nay, mình rất buồn. Nặng trĩu và không muốn làm gì cả”.
Câu thứ 2 thiếu chủ ngữ, nên sửa lại đúng:
“Hôm nay, mình rất buồn. Lòng mình nặng nĩu và không muốn làm gì cả”.
Hoặc: “Hôm nay, mình rất buồn, lòng nặng trĩu và không muốn làm gì cả”.
Hoặc: “Hôm nay, lòng mình nặng trĩu. Mình rất buồn và không muốn làm gì cả”
…
“Cụ thể hơn, mình nghĩ sẽ kiếm một công việc mà có thể làm văn phòng. Bởi suy nghĩ rằng những công việc ấy sẽ hạn chế những biến cố có thể xảy ra. Có thể làm những việc giống nhau mỗi ngày. Sống một cuộc sống tẻ nhạt cũng được”.
Ngoài câu đầu tiên, các câu sau đều thiếu chủ ngữ, nên sửa lại cho đúng:
“Cụ thể hơn, mình nghĩ sẽ kiếm một công việc mà có thể làm văn phòng. Bởi mình suy nghĩ rằng những công việc ấy sẽ hạn chế những biến cố có thể xảy ra. Mình nên làm những việc giống nhau mỗi ngày và sống một cuộc sống tẻ nhạt cũng được”.
Bạn thấy đấy, có nhiều cách sửa lại về việc thiếu chủ ngữ như: Nối câu thiếu chủ ngữ vào câu trước; Thêm chủ ngữ; Viết lại với cùng ý nhưng khác cấu trúc câu…
Chúng ta hoàn toàn có thể linh hoạt mà không cần phải tuân theo một cách cố định nào cả. Nhưng hãy nhớ đừng triệt tiêu chủ ngữ, giống như việc khi nói thì cần có đầu đuôi thay vì nói trống không.
Vị ngữ
Vị ngữ là bộ phận thứ hai trong câu, nêu hoạt động, trạng thái, tính chất, bản chất, đặc điểm,… của người, vật, việc nêu ở chủ ngữ.
- Vị ngữ có thể là một từ, một cụm từ, hoặc có khi là một cụm chủ – vị.
- Vị ngữ có thể dùng trả lời câu hỏi: Làm gì? Như thế nào? Là gì?, v.v..
Một số ví dụ thiếu vị ngữ:
“Dáng dấp cao ráo và giọng nói trầm bổng của người ấy”.
Cần sửa lại đúng:
“Dáng dấp cao ráo và giọng nói trầm bổng của người ấy là những điều khiến mình ấn tượng nhất”.
Hoặc: “Người ấy có dáng dấp cao ráo và giọng nói trầm bổng”.
“Hình ảnh cô nhân viên văn phòng ăn mặc xinh đẹp, bước đi đầy kiêu hãnh”
Nên sửa lại đúng:
“Hình ảnh cô nhân viên văn phòng ăn mặc xinh đẹp, bước đi đầy kiêu hãnh là mẫu người mà mình hướng tới”.
Hoặc: “Cô nhân viên văn phòng ăn mặc xinh đẹp, bước đi đầy kiêu hãnh”.
Ngoài ra, nhiều bạn còn thường xuyên mắc một lỗi khác là viết câu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ.
Ví dụ:
“Trong khi mình đang muốn học bài”.
Nếu câu không có từ “trong khi” thì sẽ là một câu đúng ngữ pháp. Tuy nhiên, từ “trong khi” ở đây lại biến câu này thành một trạng ngữ chỉ tình huống.
Do đó, câu nên được sửa lại cho đúng là:
“Trong khi mình đang muốn học bài, người bên cạnh cứ nói ồn ào và làm mình không thể tập trung được”.
Hoặc: “Mình đang muốn học bài”.
…
Viết câu đủ chủ ngữ và vị ngữ là một trong những điều căn bản nhất mà mình muốn tất cả chúng ta đều nhớ, tự ý thức để biên tập lại khi đọc bài của chính mình.
Mình vốn cũng là dân khối A, ngày xưa điểm văn thấp lè tè và bây giờ vẫn còn rất nhiều thiếu sót trong viết lách nhưng mình luôn ý thức về việc cố gắng viết đúng ngữ pháp hơn. Mình tin là chúng ta không thể chỉn chu và chuyên nghiệp ngay từ đầu, vẫn sẽ mắc nhiều lỗi nhưng ít nhất hãy để tinh thần cầu thị làm ưu điểm của mình.
Nếu bạn có góp ý nào với mình thì cũng đừng quên nhắn mình nhé! Mình rất biết ơn về điều đó.
Chúc bạn vẫn luôn giữ được cảm hứng trên hành trình viết lách của mình!
Chia sẻ của Lá Xanh