Cuốn sách là tổ hợp những cuộc đối thoại giữa tác giả và “bệnh nhân tâm thần”. Bạn nghĩ gì khi nói đến bệnh nhân tâm thần?
Những người có cử chỉ, hành động hay suy nghĩ không bình thường? Vậy thế nào là bình thường? Bạn có bình thường không?
Tại sao bạn lại biết bạn đang bình thường? Bệnh nhân tâm thần có nói họ bình thường không? Bệnh nhân tâm thần nói thế nào là người không bình thường?
Đọc cuốn sách này chỉ hơi không tập trung một chút thôi và bạn sẽ bị nhấn chìm trong một đống hỗn độn các câu hỏi không hồi kết. Bạn không còn chắc chắn về thế giới quan của mình nữa.
Bệnh nhân tâm thần có phải tất cả đều thật sự là bệnh không hay họ chỉ là đang suy nghĩ và cảm nhận những thứ chúng ta không thể hiểu nên ta gán cho họ cái mác như vậy?
“Con sâu bốn chiều” là chương đặc biệt khiến mình ấn tượng. Cậu bé ấy có vấn đề về tâm thần thật hay cậu ấy là một thiên tài vượt qua thời đại này.
Những điều đương nhiên của thời đại chúng ta đang sống chẳng phải cũng chính là những điều điên rồ của trước đây hay sao. “Chân lý thuộc về con người, sai lầm thuộc về thời đại”
Tác giả thể hiện rất rõ vấn đề về góc nhìn, thế giới này rộng lớn, bao la như vậy. Góc nhìn của bạn chỉ là một trong hàng tỷ những góc nhìn. Vậy góc nhìn nào là đúng, góc nhìn nào là sai?
Chỉ vì bạn không có góc nhìn của một người khác mà bạn cho rằng họ bệnh? Đúng hay sai vốn chỉ mang tính tương đối với ranh giới vô cùng mỏng manh, có những khi vốn dĩ chẳng thể phân định rõ ràng được. Bởi vì “những điều chúng ta chưa biết quá nhiều”.
Đây là một cuốn sách về đề tài tâm lý, nhưng nó không đi theo hướng học thuật, nên nếu mục đích của bạn là một cuốn sách mang lại kiến thức thì đây không phải cuốn mà bạn đang tìm.
Tác giả là một người khát khao muốn thấu hiểu về thế giới này, và cách thức anh ấy làm là tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần – “một phương pháp rất khờ khạo để thể nghiệm những góc nhìn khác nhau”, không đánh giá, không phán xét.
Nên nếu bạn tò mò về thế giới, muốn nhìn thế giới này dưới những lăng kính khác nhau, thì đây chính là cuốn bạn đang tìm. “Nếu một thế giới có thể diễn giải thành nhiều hình dạng, vậy đi xem thế giới của những người khác trông thế nào cũng rất thú vị.”
Cuốn sách này mình đã đọc xong khoảng 1 năm trước, nhưng bài review này mãi vẫn không viết ra hoàn chỉnh được, vì mình lo rằng sẽ chẳng nêu ra được ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt, những điều mà tác giả gửi gắm qua từng trang sách bởi điều mà cuốn sách chất chứa quá lớn.
Nhưng gần đây mình có đọc được một đánh giá nói cuốn này không đủ chiều sâu, nó làm mình muốn viết ra cho xong bài rw mình đã bỏ dở, vì dù rằng không đủ khả năng diễn đạt hết, nhưng một phần nào đó khơi gợi được sự hứng thú của các bạn đối với cuốn sách này thì có lẽ cũng đã đủ rồi.
Cuốn sách này với mình đặc biệt có ý nghĩa, vì từ nó, mình học được cách ngừng phán xét, ngưng đánh giá về những người xung quanh, vì rằng mỗi người, mỗi cá thể đều có cách nhìn nhận và suy nghĩ riêng, nên hành động cũng đều có điều khác biệt.
Mỗi người, dù sống ra sao, chỉ cần không phạm pháp thì họ thấy như vậy ổn thì chính là ổn.
Có một câu có thể đặt vào bất kỳ chương nào của cuốn sách này đều đúng, đó cũng là câu mình ấn tượng nhất: “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải, vậy ở giữa là gì? Là SỰ THẬT!”.
Chia sẻ của Trang Dương