Mục lục
Với tâm thế của một Content-er mới tinh tươm hôm nay mình rất muốn được cùng các “đồng râm” thảo luận về một dạng content thú vị chính là nghệ thuật content dưới dạng kể chuyện – Story-Telling.
Story-telling chính là một cách thức làm việc kết nối “trái tim đến trái tim”. Và bạn biết đấy, còn gì trên đời này đẹp đẽ nhưng yếu đuối hơn trái tim con người cơ chứ?
Tuy nhiên việc chạm đến cung bật cảm xúc của khách hàng không phải chuyện đơn giản. Story telling có những quy tắc và phương pháp riêng.
Dưới đây là những quy tắc mà mình đã “bắt lấy bắt để” sau một thời gian ngâm cứu.
Không kể cho tất cả mọi người
Với mình, phải có đích đến cụ thể thì content mới trở nên thân mật với nhóm khách hàng mục tiêu và tránh những trường hợp lan man không cập bến.
Một câu chuyện sẽ trở nên thú vị hơn khi được đào sâu tận gốc rễ và mang đến những giá trị sâu sắc.
Chẳng hạn như thành công của Neptune, cứ mỗi dịp tết đến xuân về người tiêu dùng lại mong ngóng những mẫu quảng cáo đầy ý nghĩa của thương hiệu.
Mẫu quảng cáo lấy đi nước mắt, sự đồng cảm của rất nhiều người khi nói lên nỗi lòng của những đứa con xa quê hay đứng dưới góc nhìn của các ông bố bà mẹ khi chứng kiến những đứa trẻ của mình đang ngày càng xa cách.
Lựa chọn giọng văn hấp dẫn
Một giọng văn hấp dẫn theo mình chính là nguồn nội lực có thể lôi kéo người đọc xem từ đầu đến cuối hoặc có thể vừa nhấp ngụm trà atiso đỏ vừa gật gù hài lòng mà không biết mình đã “chén sạch” nội dung từ lúc nào.
Bạn có thể hình dung sự thành công gây thu hút của việc lựa chọn concept, nội dung và hình thức/giọng văn qua các hiện tượng mạng xã hội gần đây. Như “trứng rán cần mỡ” hay “mèo méo meo mèo meo” chẳng hạn.
Khi biết rõ hiện nay người trẻ ưa chuộng những content mang tính giải trí, hài hước và theo chiều hướng “lố một tí”, “ê kíp” đứng sau sẽ bám theo phương hướng phát triển đó để tiếp cận mục tiêu.
Mặc dù không diễn ra theo chiều hướng tích cực nhưng điều đó lại đi đúng mục tiêu đề ra của ban quản lý đứng sau cánh gà.
Tuy nhiên về lâu dài, đây không phải là cách. Những content không mang đến giá trị rồi sẽ bị đào thải.
Câu chuyện hay cần được kể đúng
“Đúng” ở đây có nghĩa là đúng đối tượng, đúng mục tiêu, đúng nơi thể hiện. Không thể kể một câu chuyện vui ở một nơi cần trang trọng, chia sẻ cách trị mụn ở nơi đang cần thanh lý quần áo được.
Bạn phải đầu tư chú ý xem mình “kể chuyện” ở nơi nào thì content mới phát huy toàn bộ công lực. Nghệ thuật kể chuyện được gọi là thành công khi người đọc cảm nhận được nội dung, giá trị mà câu chuyện mang đến, sẵn sàng “nán” lại để thảo luận hay đơn giản chỉ là những lời khuyên thật chân thành…
Trên hết cần phải xem trọng chất lượng nội dung
Đúng vậy! Chả ai thành công khi trong đầu rỗng tuếch, hoặc chẳng cửa hàng nào phát triển lâu dài nếu có tư tưởng “treo đầu dê (b.á.n) thịt chó”. Nội dung phải thống nhất, đồng bộ và khác biệt.
Quy luật của cuộc sống luôn là: Hình thức có thể thu hút sự chú ý nhưng quyết định có ở hay đi lại nằm ở việc bạn “có gì”. Content cũng vậy. Nội dung chất lượng sẽ được bù đắp xứng đáng. Còn sử dụng phương pháp nhất thời thì chờ ngày đào thải. Thế thôi!
(Bán) như không bán
Đây cũng là một trong những lý do mình mê mẩn “bộ môn nghệ thuật” này. (Bán) như không (bán), (bán) mà người ta không biết mình đang (bán). Nghe oách gì đâu á!
Để đạt đến trình độ này không dễ. Hiện tại mình nghĩ cốt lõi của một content nằm ở việc mang đến cho khách hàng những giá trị hữu ích, có tính chất quan trọng đối với họ.
Thế nên việc xây dựng nên những câu chuyện gần gũi, có ý nghĩa vừa chạm đến cảm xúc của đối tượng vừa mang đến chính xác những giá trị lợi ích mà khách hàng cần. Thật tuyệt vời nếu bạn biết “rắc” vào content của mình chút tính chất giải trí. Tiếp cận khách hàng sẽ nhanh hơn đấy!
Mình có một ví dụ sẽ giúp bạn thấy rõ sự khác biệt:
Giả sử bạn đang kinh doanh EnChroma – kính mắt dành riêng cho người mù màu. Thay vì lên content giới thiệu sản phẩm, đặc tính, công dụng như những bài viết thông thường. Bạn có thể lên một video với cốt truyện đầy tính nhân văn hơn thế.
Người mẹ thương xót đứa con trai 12 tuổi của mình lớn lên với căn bệnh mù màu. Vào lần sinh nhật thứ 12 của con trai, bà đã dành tặng cho cậu một bất ngờ mà có lẽ là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời của cậu bé khi lần đầu tiên được nhìn thấy màu xanh của cỏ, màu đỏ của hoa và cả màu nước mắt hạnh phúc của cả mẹ và mình.
Chắc chắn content dưới dạng kể chuyện sẽ mang đến những hiệu ứng tuyệt vời, mang hơi thở truyền cảm hứng hơn hẳn bình thường bởi cảm xúc của con người luôn nhạy cảm và đáng trân quý hơn cả.
Đấy chính là những gì mình đã học hỏi và rút ra được sau vài tháng làm một content-er trẻ trung, xinh xắn và đang trên đường tìm kiếm giải pháp riêng cho mình.
Hỡi các bậc tiền bối hay những người bạn “đồng râm”, các bạn nghĩ như thế nào về story-telling? Liệu có tồn tại bí kíp giúp nghệ thuật kể chuyện trở nên đặc sắc hơn không?
Chia sẻ của Biện Thanh Phú