Một phòng khám răng ghi sứ mệnh của mình là “Răng chắc – Cười tươi” với hàm ý nó có nhiệm vụ (lâu dài) là mang lại cho khách hàng của mình những hàm răng chắc khỏe, thẩm mỹ cao.
Theo các bạn phòng nha này sẽ thực hiện sứ mệnh này trong bao lâu thì kết thúc?
Một năm, năm năm, mười năm, hay vĩnh viễn chừng nào nó còn tồn tại?
Liệu ông chủ phòng khám răng có thay đổi sứ mệnh này, không còn mong muốn đem lại cho khách hàng của mình những hàm răng chắc khỏe và thẩm mỹ cao nữa hay không? Có thể lắm chứ, nhưng phần nhiều là không!
Máy móc, công nghệ có thể thay đổi, sản phẩm và dịch vụ về răng có thể thay đổi, địa điểm, cơ ngơi văn phòng có thể thay đổi, chiến lược cạnh tranh có thể thay đổi, thậm chí người chủ có thể thay đổi, nhưng tôi tin phòng khám nha khoa này vẫn sẽ theo đuổi sứ mệnh này, đem lại hàm răng chắc, khỏe, đẹp cho khách hàng của mình cho dù câu chữ diễn đạt có thể khác đi
(nếu vẫn còn hoạt động như là phòng khám nha khoa chứ không chuyển sang thành khám… phụ khoa).
Vậy sứ mệnh là gì? Tiếng Anh là mission hay core purpose (mục đích cốt lõi). Đó là nhiệm vụ lâu dài, là LÝ DO TỒN TẠI của tổ chức (the organization’s fundamental reasons for existence).
Một tổ chức, như phòng khám nha ở trên, hay một công ty, ngay từ khi mới ra đời (thậm chí còn chưa ra đời), người sáng lập phải biết là nó ra đời để làm gì, phụng sự ai, đem lại giá trị gì cho khách hàng…, tức phải biết nó có sứ mệnh gì, dù có viết hay không viết ra (nếu không biết nó ra đời để làm gì, thì thành lập nó để làm gì?).
Ngay từ khi manh nha thành lập, tôi đã xác định cho nó một sứ mệnh (tức nhiệm vụ lâu dài) là “hỗ trợ nâng cao năng lực tư duy, năng lực quản lý và lãnh đạo cho các nhà quản lý và doanh nhân Việt Nam…, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt…” (reasons for existence)!
Sứ mệnh này có thể thay đổi nếu có ai đó khác hệ biến nó thành một tổ chức quảng cáo, hay thương mại hóa nó để kiếm tiền thay vì chăm lo việc chia sẻ và học hỏi vô tư lợi như hiện nay.
Sứ mệnh này có thể thay đổi, nếu một ngày nào đó các nhà quản lý Việt Nam nâng cao năng lực tư duy và năng lực quản lý nữa.
Và sứ mệnh này có thể thay đổi, nếu những người dẫn dắt tự nhiên “biến chất”, “thoái hóa”, muốn dùng nó để phục vụ cho những mục đích riêng tư nào đó nhằm trục lợi, thay vì đóng góp để phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Nếu những điều đó không xảy ra, và vẫn là những con người cùng hệ giá trị nắm giữ và dẫn dắt thì sứ mệnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng theo đuổi mãi.
Trên thế giới có những công ty theo đuổi sứ mệnh hàng trăm năm cho đến tận bây giờ. Tất nhiên, chẳng có gì là tuyệt đối cả! Mọi thứ đều có thể thay đổi!
Những công ty trăm năm vẫn có thể thay đổi. Chính vì thế mà nhiều công ty cố gắng tuyên ngôn một sứ mệnh mang tính bao trùm và tổng quát, sao cho không cần phải thay đổi khi công ty phát triển về sau.
Ví dụ, “To make people happy” (làm cho con người hạnh phúc) là một tuyên ngôn sứ mệnh khá bao trùm của W.D (một tập đoàn chuyên về các hoạt động vui chơi, giải trí).
Sứ mệnh là hiện tại (vì chúng ta đang theo đuổi), và cũng là tương lai (vì chúng ta sẽ theo đuổi lâu dài).
Khác với một nhiệm vụ có thời hạn, sẽ có deadline hoàn thành; sứ mệnh là một nhiệm vụ vô thời hạn, không có hồi kết thúc (trừ khi ta muốn kết thúc).
Chúng tôi sẽ cố gắng theo đuổi sứ mệnh này chừng nào còn tồn tại. Sứ mệnh đó chính là lý do tồn tại. Tất nhiên, một lần nữa, mọi thứ đều có thể thay đổi, không có gì là vĩnh cửu!
Còn tầm nhìn thì sao? Tầm nhìn sẽ thay đổi theo thời gian. Ngày hôm nay, chúng ta có mong muốn trở thành một diễn đàn được thừa nhận ở Việt Nam;
10 năm sau, có thể chúng ta có mong muốn nó được thừa nhận trên toàn thế giới.
Phòng nha kia hiện tại có tầm nhìn là sẽ trở thành số một ở khu vực thành phố nhỏ nọ. 5 năm sau, nó có thể có tầm nhìn trở thành số 1 ở khu vực phía Nam. 10 năm sau, nó có thể có tầm nhìn là trở thành chuỗi nha khoa số 1 toàn quốc; và sau đó có thể là toàn cầu…
Tầm nhìn có thể thay đổi theo nhận thức người lãnh đạo, theo tầm vóc doanh nghiệp, theo môi trường kinh doanh, và theo thời gian…
Sứ mệnh đặt trên hay dưới tầm nhìn? Không quan trọng! Nhiều công ty đặt trên, và cũng nhiều công ty đặt dưới.
Riêng tôi, tôi thích đặt sứ mệnh lên trên, vì nó có ngay từ lúc tôi còn mới manh nha, (trả lời câu hỏi, lập ra để làm gì, tức câu hỏi WHY ? Tôi luôn muốn trả lời câu hỏi Why đầu tiên).
Mặt khác, sứ mệnh thường hướng ngoại, hướng về khách hàng, đối tượng mà tổ chức sẽ phục vụ; và tôi muốn khách hàng thấy nó trước tiên (họ thường hỏi, tổ chức bạn đem lại gì cho tôi?).
Chia sẻ của Nguyễn Hữu Long