Hãy tưởng tượng bạn là giám đốc của một trang trại gà và bạn muốn tạo ra nhóm gà cho năng suất cao nhất. Bạn sẽ chọn lai những con gà đẻ nhiều trứng nhất với nhau để tạo ra giống gà “siêu trứng” rồi cứ lặp lại quá trình đó cho đến khi bạn có được trại gà đẳng cấp nhất thế giới chứ? Những kiến thức về gen đã nói về việc phát huy tính trạng trội khi giao phối phải không? Liệu đây có phải là một chiến lược “bất bại”.
Đó là điều William Muir, một nhà khoa học trẻ tuổi đã làm để chứng minh sự lựa chọn cá nhân không thể mang lại thành công bằng sự lựa chọn nhóm. Và anh đã đúng. Kết quả của thí nghiệm là Muir đã phải cho dừng thí nghiệm sớm vì những con gà siêu năng suất này đã mổ nhau cho đến chết.
Kết luận ở đây là: nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc cạnh tranh vị trí cao nhất, ta có khả năng đánh nhau tới chết. Tuy nhiên khi làm việc để nâng đỡ người khác, mọi người đều chiến thắng.
Đây cũng là điều cơ bản mà Shawn Achor, một chuyên gia hàng đầu về hạnh phúc, thành công và tiềm năng con người muốn truyền đạt trong TIỀM NĂNG LỚN.
“Khi giúp người khác thành công hơn, kết quả là bạn cũng trở nên thành công. ”
Không quan trọng là bạn giỏi giang vượt trội hơn người bao nhiêu mà quan trọng là bạn phù hợp với nhóm bao nhiêu. Ngay cả khi bạn là chân sút tài năng trong một đội bóng đá thì bạn cũng không thể ghi được nhiều bàn thắng bằng việc phối hợp nhịp nhàng với đồng đội. Không ít những bàn thắng đẹp như mơ của Quang Hải đến từ sự kiến tạo tuyệt vời từ đồng đội.
Vậy việc gì chúng ta phải ganh đua thành tích, cạnh tranh vị trí số một mà sẵn sàng dẫm đạp người khác? Hãy luôn giữ tâm lý win-win, tất cả cùng đạt được thắng lợi của mình. Dù rằng điều này rất khó để thực hiện, người ta chỉ tôn thờ những cái nhất mà thôi, họ nhớ ai là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng mà chẳng cần biết người thứ hai là ai.
Vì những áp lực đó từ xã hội khiến chúng ta lao mình vào cuộc đua, tranh nhau vị trí đứng đầu, sẵn sàng làm mọi thứ để cho thấy rằng chúng ta tốt hơ nhiều so với đối thủ. Và rồi cuối cùng, ta sẽ mổ nhau đến chết, y như những chú gà trong thí nghiệm kia.
Tiềm năng nhỏ là tiềm năng của cá nhân. Tiềm năng lớn không phải là cố gắng đi nhanh một mình, mà là tìm cách trở nên tốt hơn khi đi cùng nhau.
Vì thế chúng ta phải tìm được cách phát huy Tiềm năng lớn bằng cách kết nối với những người xung quanh. Hãy xây dựng một gang riêng cho mình bao gồm những thành viên tích cực, những người sẵn sàng nâng bạn lên thay vì dìm bạn xuống.
Về lý thuyết, những điều trên đều hoàn toàn đúng đắn, nhưng điều kiện lý tưởng là trong thực tế là bạn sẽ tìm được những người như vậy để hòa mình vào với họ. Còn nếu xung quanh bạn toàn những kẻ ích kỷ, nhỏ nhen, tư duy hạn hẹp và không quan tâm đến việc bạn sống như thế nào, bạn phải làm gì?
Việc này chưa được tác giả đề cập tới, tôi cho rằng đây là một sự lý tưởng hóa hiện thực. Theo tôi, trong trường hợp bạn là một lonewolf không bầy (ví dụ như tôi chẳng hạn) hoặc là black sheep trong bầy, bạn vẫn có thể phát huy tiềm năng lớn cho mình, miễn là bạn không chấp nhận bầy đàn đang kiềm hãm mình và bảo vệ được bản thân từ những tác động tiêu cực từ họ.
Phần sau của cuốn sách sẽ đề cập tới cách để giúp các bạn phòng vệ bản thân trước những điều tiêu cực và chấp nhận căng thẳng cũng là một yếu tố thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước. Phần này tôi nghĩ rằng bạn nên tìm đọc cuốn sách để nghĩ xem những điều tác giả hướng dẫn có phù hợp với cuộc sống của bản thân mình không.
Mỗi người sẽ có giới hạn chịu đựng tiêu cực và căng thẳng khác nhau, cho nên chưa chắc điều hữu dụng với người này sẽ hiệu quả với người khác. Tôi cảm thấy rằng trở thành một con người tích cực hơn là một điều không hề đơn giản. Bạn có thể cọi Tiềm năng lớn là một cuốn sách để tham khảo và rút ra những suy ngẫm cho riêng mình.
Bạn đã đọc Tiềm năng lớn hay chưa? Hãy cho mình ý kiến đánh giá về cuốn sách này nhé!
Chia sẻ của Thanh Anh