Mục lục
Là một trong những công cụ Truyền thông Marketing Tích hợp (IMC) phổ biến, Quan hệ công chúng (Public Relation – PR) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc quảng bá tên tuổi cho tổ chức nhờ tạo độ tin cậy và xây dựng mối quan hệ mật thiết với các bên liên quan. Đây cũng là ngành nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Vậy PR là gì?
Trong các cuốn sách và tài liệu chuyên ngành, bạn có thể tìm thấy nhiều định nghĩa của PR. Dưới đây là định nghĩa toàn diện do The Public Relations Institute of Australia đưa ra:
“Quan hệ công chúng (PR) là những nỗ lực bền bỉ, có chủ đích và có kế hoạch nhằm xây dựng và duy trì sự thấu hiểu giữa một tổ chức (hoặc cá nhân) và công chúng của họ”.
Hoặc:
“Quan hệ công chúng (PR) là một quá trình truyền thông chiến lược nhằm xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi giữa các tổ chức và công chúng của họ.
Khác với quảng cáo và marketing, PR là không chỉ tập trung vào người tiêu dùng và khách hàng tiềm năng mà còn hướng đến các nhà đầu tư, nhân viên, cộng đồng, chính phủ, nhóm lợi ích đặc biệt (special-interest group), … Gọi chung là các bên liên quan (stakeholder).
Vai trò của pr trong một tổ chức
- Dự đoán và xem xét thái độ, ý kiến của công chúng về các vấn đề và sự kiện có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến các mối quan hệ của tổ chức.
- Xây dựng lòng tin và danh tiếng cho tổ chức và các nhà lãnh đạo.
- Bảo vệ danh tiếng và lòng tin nơi công chúng sau khủng hoảng.
- Làm việc với bộ phận marketing và quảng cáo để hỗ trợ các mục tiêu truyền thông, các hoạt động bán hàng và hiệu quả thị trường.
Như vậy, PR không phải là quảng cáo bán hàng như nhiều người bên ngoài ngành thường nhầm lẫn. Một chiến dịch PR hiệu quả sẽ kết hợp đầy đủ các yếu tố trên, có thể kéo dài hơn một năm với các giai đoạn đánh giá và xem xét tương ứng.
Cũng theo cách hiểu này, PR và marketing là hai bộ phận tách rời, hoặc nếu thuê agency, các agency cũng sẽ có chức năng riêng nhưng đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, cũng có thể hiểu PR là một chức năng truyền thông marketing.
Tích hợp pr trong kế hoạch
IMC – Integrated Marketing Communication hay Truyền thông Marketing Tích hợp là những hoạt động marketing có sự phối hợp và gắn bó chặt chẽ với nhau nhằm truyền tải các thông điệp rõ ràng, nhất quán, xuyên suốt và có tính thuyết phục đến khách hàng mục tiêu về một doanh nghiệp hay những sản phẩm của doanh nghiệp đó. (Theo Armstrong & Kotler 2005)
Trong một bản kế hoạch IMC, PR đóng vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ mục tiêu marketing như nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin và giải thích (educate), tăng sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, đưa ra lý do để người tiêu dùng mua hàng, … Một số hoạt động PR có thể áp dụng trong IMC như:
“Khuấy động” thị trường trước khi quảng cáo/hoặc thay thế quảng cáo
Chẳng hạn, việc công bố một sản phẩm mới là cơ hội vàng để thu hút và kích thích công chúng, từ đó tăng hiệu quả của quảng cáo và tăng doanh thu bán hàng. Bất cứ khi nào Apple giới thiệu sản phẩm mới, trước khi sản phẩm có sẵn, các sự kiện PR sẽ “đổ bộ” tạo ra sự mong đợi của khách hàng.
Vào tháng 10/2018, trước khi các phiên bản cập nhật của iPad Pro và MacBook Air có mặt trên thị trường, CEO Apple – Tim Cook đã mời các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự buổi ra mắt sản phẩm.
Apple cũng đã chuẩn bị các video nêu bật sự khác biệt với các sản phẩm MacBook Air trước đây. Mặc dù có ngân sách dành cho quảng cáo nhưng Apple muốn tạo ra những khoảnh khắc đáng tin cậy bằng cách chia sẻ sản phẩm, dịch vụ với các nhà báo nổi tiếng.
Tạo tin tức PR từ các ý tưởng quảng cáo
Bản thân các ý tưởng quảng cáo có thể là trọng tâm của công chúng. Chiến dịch “Trash Isles” do agency AMVBBDO thực hiện cho khách hàng Plastic Oceans Foundation và LADbible nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông, chính phủ và cộng đồng về khối lượng lớn rác thải và nhựa ở Thái Bình Dương, hiện tương đương với kích thước của nước Pháp.
Qua chiến dịch này, Trash Isles đã được đăng ký là “một quốc gia”, thậm chí là kêu gọi mọi người trở thành công dân. Các video, bài đăng và câu chuyện trên phương tiện truyền thông cũng đã thu hút 200 000 công dân và nửa tỷ người tiếp cận.
Tác động đến những người có ảnh hưởng
Bằng cách cung cấp thông tin hoặc tặng sản phẩm cho các KOL hoặc nhóm khách hàng có khả năng thích nghi nhanh (early adopter), các thương hiệu và tổ chức có thể tận dụng sức ảnh hưởng của họ để tác động đến nhiều người khác.
Bên cạnh đó, những lợi ích mà PR mang lại cho marketing mix như: Lan toả (amplify) và nâng tầm uy tín cho các phương tiện truyền thông hoặc các chiến dịch quảng cáo sáng tạo; Hỗ trợ các mối quan hệ giữa các bên liên quan, dẫn đến lợi thế lâu dài cho tổ chức; Cải thiện SEO; Giảm thiểu các phản ứng tiêu cực đối với các quảng cáo gây tranh cãi;…
Nhược điểm của pr
Bên cạnh các lợi thế kể trên, PR cũng có một số nhược điểm mà các marketer khi đưa vào kế hoạch IMC cần cân nhắc kỹ lưỡng như:
- Khác với truyền thông trả phí (paid media), PR thiếu sự kiểm soát trực tiếp các nội dung về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, nhất là với truyền thông lan truyền (earned media).
- Nội dung PR hiệu quả nhất khi phù hợp với nhu cầu của công chúng, do đó việc chèn các chiến lược thông điệp quảng cáo, slogan hoặc tên sản phẩm trở nên thiếu tự nhiên.
Chính vì vậy, để giảm thiểu các nhược điểm và tăng hiệu quả cho các hoạt động PR, các marketer đều cần phải dựa trên dữ liệu.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức hiện nay chưa tích hợp các câu hỏi hoặc các mục cần thiết về quan hệ công chúng trong các cuộc khảo sát marketing, khiến các hoạt động PR không đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, ngay từ đầu chiến dịch, marketer cần cung cấp thông tin đầu vào hữu ích và các insight quan trọng để thực hiện và đánh giá chiến dịch PR.
Chia sẻ của Nguyễn Vũ Ngọc Ánh