Nếu bạn đang chơi với một người vài người bạn mà có người đó không có lời hứa, không có cam kết gì cả thì bạn có chơi không?
Câu trả lời là “VẪN CHƠI BÌNH THƯỜNG’’ được đa số người trả lời sau khi tôi khảo sát một số người quen biết và tôi cũng ở trong số đông này.
Cuộc sống không nhất thiết bạn phải đưa ra những lời hứa, nhưng một khi đã hứa thì hãy thực hiện cho bằng được, đừng có biến mình fan của “thành Ưng Hoàng Phúc”.
Lời hứa của thương hiệu cũng như những lời hứa của bản thân mình trong cuộc sống hàng ngày, nó nói lên một hoặc một số cam kết nào đó mà dù có tốn tiền, thậm chí đánh đổi bằng sinh mạng bản thân, sự tồn vong của doanh nghiệp cũng phải thực hiện cho bằng được.
Lời hứa của cá nhân thường là do bản thân mình đưa ra, do mình nói ra, mình có thể kiểm soát được nó và thực hiện nó dựa trên mong muốn của bản thân mà không chịu sự chi phối của nhiều người nên sẽ dễ thực hiện.
Ngược lại lời hứa thương hiệu muốn thực hiện được thì cần phải có quá trình truyền tải và truyền thông tốt, mọi người cùng một ý chí, cùng một cách hiểu mới có thể triển khai đồng bộ được.
Người chủ doanh nghiệp có thể rất trọng lời hứa nhưng đội ngũ bên dưới có thể hiểu sai, sợ sai, sợ trách nhiệm nên không thực hiện đúng lời hứa (đâu đó ở Thế Giới Giấy đang có tình trạng này).
Lời hứa có thể ngắn gọn, có thể dài, có thể có một ý hoặc vài ý. Nhưng lời hứa nên có 2 phần gồm phần tuyên ngôn và phần cam kết thực thi.
Phần tuyên ngôn là để nói lên cái doanh nghiệp mình hứa sẽ làm; phần cam kết thực thi là phương thức mình sẽ làm gì để cụ thể hóa tuyên ngôn đó. Kiểu như cuộc sống bình thường chúng ta vẫn thường hay nói câu “Mày nói thì hay lắm nhưng lấy gì đảm bảo mày sẽ làm được?’’.
Ví dụ bạn có cam kết của bản thân tuyên ngôn là “Tôi không bao giờ ăn thịt chó!”.
Phần cam kết thực thi sẽ là:
- Tôi sẽ không bao giờ ăn thịt chó với bất kỳ hình thức và phương thức nào.
- Nếu bạn bè rủ tôi đi ăn thịt chó thì tôi sẽ từ mặt và chặn cuộc gọi luôn.
- Nếu vào quán có bán món thịt chó thì tôi sẽ đi ra mà không cần biết lý do.
- Nếu người thân của tôi làm thịt chó thì tôi sẽ tẩy chay bữa ăn đó, cho dù đó là đám giỗ tổ hay đám cưới của đứa em.
Ví dụ về lời hứa thương hiệu của Thế Giới Giấy Có 2 phần gồm:
Phần tuyên bố là “Chúng tôi cung cấp, chúng tôi chăm sóc cho hạnh phúc của bạn (We supply, we take care for your happiness)”.
Phần cam kết thực thi của chúng là:
- Thế Giới Giấy nói không với giấy bẩn, cam kết sử dụng nguồn nguyên liệu tốt nhất để tạo ra những sản phẩm GIẤY SẠCH, an toàn và thân thiện với môi trường (sản phẩm làm từ 100% bột giấy nguyên sinh trắng, mềm, mịn, dai, không bụi, không hóa chất tẩy trắng độc hại, không ngứa, không kích ứng da…)
- Thế Giới Giấy cam kết bảo hành thiết bị hoạt động bình thường trong vòng 3 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận sự cố. Cứ mỗi giờ trễ hẹn khách hàng được trừ 1% giá trị đơn hàng gần nhất.
- Thế Giới Giấy miễn phí đổi trả nếu hàng hóa bị hư hỏng, ẩm mốc trong quá trình bảo quản, sử dụng mà không cần quan tâm đến lý do, thời gian.
- Nếu người của Thế Giới Giấy văng tục, chửi thề, gây hấn khi làm việc thì khách hàng được miễn phí đơn hàng đang giao dịch.
- Nếu trong vòng 30 phút khi tiếp nhận thông tin, nếu người tiếp nhận thông tin chưa phản hồi về các bước thực thi tiếp theo thì người đó sẽ bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm. Nếu là thông tin được tiếp nhận từ bên ngoài thì Tổng giám đốc phải trực tiếp xin lỗi khách hàng/ đối tác.
Vậy doanh nghiệp có nhất thiết phải có lời hứa thương hiệu hay không? Câu trả lời là TÙY HOÀN CẢNH. Doanh nghiệp không có lời hứa thương hiệu không sao cả, làm được gì thì làm, làm được càng nhiều việc có ích càng tốt.
Nhưng có một điều là nếu một doanh nghiệp không có lời hứa gì cả thì chỉ số tin cậy của khách hàng vào thương hiệu đó rất thấp, khách hàng cũng không biết thương hiệu của bạn có gì hơn đối thủ để lựa chọn khi cần mua hàng.
Vì vậy doanh nghiệp chưa có lời hứa cũng chẳng sao cả, không có lời hứa thì không có thất hứa, như vậy nó còn tốt hơn rất nhiều là việc hứa xong không làm được. Để tìm kiếm và xây dựng một lời hứa thương hiệu theo tôi nên phải có các tiêu chí sau:
Đầu tiên, nó khả thi, có khả năng thực hiện. Bạn đừng hứa để rồi đến khi gặp vấn đề rồi nói một câu với chỉ số vô trách nhiệm rất cao rằng “Anh thông cảm cái này nói vậy chứ em chưa thực hiện được’’.
Thứ 2, nó phải phù hợp với năng lực lõi của doanh nghiệp vì nếu năng lực, sở trường của bạn một nơi, bạn hứa một kiểu thì không thể thực thi và người ta gọi đó là HỨA LÈO.
Thứ 3, đối thủ của bạn không có khả năng làm hoặc rất khó làm việc này vì nếu là lới hứa đối thủ đã triển khai, doanh nghiệp nào cũng làm được thì khách hàng khó mà nhận ra bạn với đối thủ.
Ví dụ như cả lớp hứa học giỏi, chăm ngoan, nghe lời… bạn hứa sẽ không bao giờ sử dụng tài liệu, nhìn bài người khác trong phòng thi thì đó cũng là một sự nổi bật để bạn khác với đối thủ.
Thứ 4, lời hứa thương hiệu không phải là một khẩu hiệu chung chung, giải thích mãi không ai hiểu, nó phải đơn giản nói lên là hiểu ngay.
Thứ 5, lời hứa thương hiệu phải truyền được cảm hứng cho người khác. Nếu lời hứa chỉ là “Em hứa em sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để không phụ lòng tin tưởng của…’’ thì nghe nó thật chán và buồn ngủ.
Thứ 6, lời hứa thương hiệu nên là một cam kết dài lâu có thể áp dụng trong nhiều năm mà không bị lỗi thời. Một lời hứa thương hiệu mà chỉ áp dụng được trong thời gian rất ngắn thì nó không đáng tin cậy.
Ví dụ hôm nay bạn đưa ra cam kết “Giao hàng nhanh 24h’’ nhưng vài bữa sau bạn lại đưa ra cam kết “Giao đúng giờ’’ rồi vài ngày sau lại đưa ra cam kết “ Giao hàng nhanh nhất có thể’’ thì chắc chắn đó là lời hứa theo gió ngàn bay.
Hoặc những lời hứa kiểu như ”Chiều nay về sẽ cho con đi nhà sách, mai cả nhà sẽ đi ăn quán…” thì không ổn. Lời hứa kiểu như ”Bố sẽ không bao giờ hút thuốc lá” nghe nó sẽ ổn hơn, có tính cam kết và dài hơi hơn.
Tóm lại, để xây dựng lời hứa thương hiệu không hề dễ dàng, bạn cứ từ từ nghiền ngẫm và chọn cho mình một lời hứa phù hợp. Lưu ý không nhất thiết phải doanh nghiệp lớn mới cần lời hứa, nhưng một doanh nghiệp muốn lớn thì cần phải có những lời hứa đủ sức nặng.
Đặc biệt hết sức lưu ý 6 tiêu chí tôi nêu trên đây không phải là công thức, tuyệt chiêu gì đó ghê gớm, cũng chưa được kiểm chứng gì cả.
Nó chỉ đơn giản là việc tôi phải hói đầu, bạc tóc mới tìm ra được lời hứa thương hiệu cho Thế Giới Giấy (mặc dù chưa ưng ý lắm) và tôi thấy nó khá hợp lý, nhiều doanh nghiệp có thể áp dụng được nên tôi chia sẻ.
Nếu một doanh nghiệp không có một khát vọng đủ lớn thì nó sẽ đi về đâu? Có khát vọng lớn thì mới có thể tiến xa, mỗi ước mơ mà không dám nghĩ lớn thì lấy gì để làm lớn?
Hy vọng bạn sẽ rút ra được điều gì đó cho hành trình xây dựng doanh nghiệp của mình.
Hãy để lại những tương tác, bình luận để thấy bạn đồng ý/không đồng ý điều gì đó ở bài viết của tôi để các bài viết sau được tốt hơn nhé.
Chia sẻ của Mai Quốc Bình.