Mục lục
Mình nhận ra một điều: có nhiều bạn viết rất hay, nội dung rất hữu ích nhưng lại nhận được không bao nhiêu tương tác.
Dĩ nhiên, khi chia sẻ trên mạng xã hội, ai mà không mong bài của mình được nhiều tương tác. Vì rất nhiều lí do: sự nổi tiếng, kinh doanh, bán hàng hay đơn giản là tìm kiếm sự ủng hộ, động viên để chia sẻ tiếp.
Vậy nên, bài viết này của Ngân là để giúp bạn đó.
Từ kinh nghiệm của một đứa không nổi bật gì cả nhưng hầu hết các bài viết của mình (trong group, profile và fanpage cá nhân) đều nhận được lượng tương tác khá tốt, đều đặn. Những gì mình chia sẻ trong bài viết này hoàn toàn là kinh nghiệm cá nhân, bạn nên cân nhắc kĩ khi áp dụng.
Giờ thì bắt đầu khám phá những bí quyết của Ngân thôi nào!
Định vị bạn là ai
Điều này có nhiều bạn bỏ qua lắm nè. Bạn thường không hiểu rõ chính mình, chưa xác định rõ tính cách, hình ảnh, văn phong của mình trên mạng xã hội và cũng không chuẩn bị cho mình một profile chất lượng.
Bạn viết bài, chia sẻ trong các group nhưng khi người ta tìm đến profile của bạn để theo dõi, để hiểu thêm về bạn thì profile không có gì đặc biệt hết.
Bạn không cần phải chuẩn bị một profile khủng, đẹp lung linh đâu, mà đơn giản phải thể hiện được con người bạn: Bạn là ai, Tính cách bạn thế nào, Bạn thích gì, Bạn hay chia sẻ về thứ gì…
Một số tip cho bạn:
- Ảnh đại diện, ảnh bìa, ảnh nổi bật để hình thể hiện con người mà bạn muốn show ra cho thế giới biết
- Viết vài dòng giới thiệu về bản thân trong mục tiểu sử (công việc của bạn, câu châm ngôn bạn yêu thích, hay bất cứ điều gì bạn thích…)
- Hạn chế chia sẻ những thứ linh tinh như: giveaway, nội dung tiêu cực, quảng cáo,…
Nội dung cần đúng đối tượng và xuất hiện ở đúng nơi
Học marketing là để ứng dụng trong cuộc sống, chứ không phải để chém gió. Và đây là lúc bạn thể hiện nè.
Từ việc định vị bản thân là ai, cũng như hình ảnh mà bạn muốn xây dựng, thể hiện, mục đích chia sẻ của bạn là gì thì bạn có thể bắt đầu xác định xem đối tượng người đọc chính của mình là ai, họ xuất hiện ở đâu trên các nền tảng mạng xã hội.
Ví dụ về cách mà Ngân đang làm cho dễ hiểu. Mình xây dựng hình ảnh bản thân là một người trẻ, năng động, ham học hỏi, thích chia sẻ giá trị. Mình làm về Marketing, Content và Kinh doanh.
Mình yêu việc đọc sách, viết lách, trải nghiệm và phát triển bản thân. Mục đích chia sẻ của mình là phục vụ cho công việc mình đang làm, và giúp đỡ, tạo giá trị cho mọi người.
Đơn giản là mình thích chia sẻ những gì mình làm, mình biết, từ đó kết nối được với nhiều anh chị, bạn bè có chung quan điểm, sở thích.
Vậy đối tượng đọc của Ngân được phân thành 3 nhóm chính sau đây:
- Những người đang làm marketing, kinh doanh online
- Những người quan tâm đến viết lách và muốn cải thiện việc viết của mình cũng như ứng dụng vào công việc
- Các bạn trẻ, sinh viên muốn phát triển bản thân, thích đọc sách, ham học hỏi, trải nghiệm, dấn thân
(Mình chia sẻ cơ bản như vầy thôi, chứ thật ra mình mô tả chi tiết hơn nhiều, không tiện public được).
Để làm tốt công đoạn này, bạn nên tìm hiểu về Phương pháp xác định chân dung khách hàng trong Research (Demographic lẫn Tâm lý, hành vi).
Nhớ hai điều này bạn nhé: một là không được chọn các tệp mâu thuẫn với nhau, hai là phải biết mục đích của mình là gì, tránh mất thời gian, lan man.
Sau khi chọn xong đối tượng, bạn cần tìm hiểu thêm: họ xuất hiện ở đâu và vấn đề họ quan tâm thực sự là gì.
Ví dụ: Qua sự tìm hiểu, đối với Facebook, mình thấy 3 nhóm đó sẽ xuất hiện ở 2 nơi là: Các group về khởi nghiệp, kinh doanh online, marketing, viết lách, content, phát triển bản thân, đọc sách; Listfriend của những người đầu ngành.
Sau đó mình sẽ kết bạn với những anh chị đầu ngành, và cả friendlist của họ. Đồng thời, tham gia tất cả các group kể trên (nhưng sau tầm 1 tháng, sẽ đánh giá group nào hoạt động không tốt để out bớt, và phân tích kĩ xem từng group đang nói về chủ đề chính nào).
Lúc này đây, những nội dung bạn chia sẻ, sẽ đến được đúng người, dĩ nhiên sẽ được quan tâm nhiều hơn. Cứ nghĩ đi, bạn chia sẻ về Content, mà post trong group Hội chị em thì mấy ai mà quan tâm đúng không.
Tiếp đến là phải liên tục theo dõi, phân tích xem đối tượng của bạn quan tâm, mong muốn điều gì trong những thứ bạn đang nói. Cái này là tìm insight đó.
Khá là kì công, Ngân sẽ chia sẻ sâu hơn ở một bài viết khác cho bạn.
Thông điệp nhất quán và Đúng – Đủ – Đều
Đây cũng là lỗi của nhiều bạn luôn. Các bạn không nhất quán trong những gì mình nói ra. Hôm thì chia sẻ về ăn uống, hôm lại phát triển bản thân, hôm lại viết deep, nói chung là lộn xộn cả lên.
Người đọc sẽ thấy bạn đa nhân cách, không biết bạn đang làm gì, bạn là ai. Cho nên, mọi thứ bạn nói ra, phải luôn nhất quán từ đầu tới cuối, không mâu thuẫn, không lộn xộn về chủ đề.
Nhiều bạn KOL, Influencer hay bị dính sai lầm này. Rõ ràng là KOL về du lịch, nhưng lâu lâu vẫn sân si chuyện chính trị, không đúng chuyên môn, còn dễ mất đi follower. Cho nên, chia sẻ là tốt, nhưng cần thông minh là vậy.
Đúng – Đủ – Đều. Có bạn sẽ làm tốt tất cả điều mà Ngân đề cập ở trên, nhưng đến đoạn này thì không làm được. 3 chữ Đ này nói dễ làm khó, bản thân mình còn đôi khi chưa làm tốt. Bạn phải công nhận một điều là người dùng, người đọc rất cá vàng.
Nếu bạn không xuất hiện thường xuyên, đều đặn, tạo thói quen cho họ thì họ cũng quên mất tiêu bạn là ai. Cách đây một năm, Ngân cũng phạm sai lầm.
Cũng chia sẻ, cũng gây bão được với một số bài rồi không duy trì đầy đủ và đều đặn được, cuối cùng là có ai nhớ mình đâu, nên tương tác cũng giảm theo là vậy.
Một bài viết shock ngàn like vẫn không bằng 10 bài 200 like đều đặn. Nổi tiếng bền vững vẫn hơn nhất thời.
Nếu bạn không thể sản xuất đều đặn mỗi ngày, có thể lựa chọn như mình: 3 bài chuyên môn cho 1 tuần, và xen kẽ là các bài, các hình ảnh ngắn giữ tương tác.
Bàn sâu về cái này thì có nhiều thứ để nói lắm, ví dụ hiệu ứng tâm lý quen thuộc, tạo thói quen cho người đọc.
Bạn có thể để ý cách mà các rạp chiếu phim tiêm vào đầu bạn: thứ 3 vui vẻ, thứ 5 ưu đãi… để đến ngày hôm đó là nhớ về họ. Bạn hãy thử xem.
Hiểu biết về các nền tảng là một lợi thế
Bạn chơi trên các nền tảng mạng xã hội, thì cần hiểu rõ luật chơi. Dành nhiều thời gian đào sâu về công nghệ để tiết kiệm thời gian, công sức hơn.
Chẳng hạn, facebook hoạt động dựa trên cơ chế tương tác lẫn nhau giữa người dùng, và đánh giá nội dung hữu ích bằng cách đánh giá tương tác, hành vi, từ đó đề xuất nội dung đến những người có chung mối bận tâm với nhau.
Mình không chuyên công nghệ, nên thường đọc các cập nhật, thông báo, hướng dẫn người dùng của Facebook để hiểu hơn. Và đây là một số tip mình thường dùng, có thể hữu ích với bạn:
- Luôn tương tác với đối tượng người đọc của mình (bạn tương tác với họ, thì bài viết của bạn mới xuất hiện trên newfeed của họ được)
- Kết bạn với dàn admin, mod của các group mà bạn tham gia (khi bạn đăng bài trong group, họ sẽ nhận được thông báo và tương tác ngay, do là bạn bè với nhau)
- Nghiên cứu và lập một list từ khóa liên quan đến những thứ mà bạn chia sẻ, thường xuyên dùng nó trong các nội dung
- Tận dụng công cụ search trên facebook. Từ cái list ở trên, search key mà bạn có, đi qua từng mục: bài viết, ảnh, video… và đọc, phân tích tất cả những bài thuộc top, xem họ làm như thế nào, và học hỏi
- Lựa chọn khung giờ chia sẻ nội dung. Thường xuyên đọc các phân tích social media để biết đối tượng của bạn online khung giờ nào, ngày nào trong tuần nhiều nhất
Đầu tư cho nội dung của bạn
Hiển nhiên, một nội dung được đầu tư thì sẽ có được tương tác nhiều hơn. Ở đây Ngân sẽ nói qua một số tip:
Nội dung: như đã nói, cần tìm hiểu để biết xem đối tượng của bạn quan tâm điều gì. Đặt câu hỏi tương tác, theo dõi các trend, các chủ đề thảo luận sôi nổi trong các group. Nội dung phải đáp ứng được 1 trong 2 tiêu chí sau, hoặc cả 2: hữu ích, giải trí.
Định dạng nội dung: tìm hiểu xem có bao nhiêu dạng nội dung (bài viết, clip, infographic, ảnh gif,…) và khi nào thì nên dùng để đa dạng hơn nội dung của bạn
Mục đích:
- để có nhiều share thì nội dung thường thuộc các kiểu: tổng hợp tài liệu, give away, hệ thống kiến thức, tips hay, nói lên tâm tư chung của nhiều người…
- để có nhiều like, react thì cần có tiêu đề kích thích, hình ảnh hoặc clip bắt mắt…
- để có nhiều comment thì nội dung sẽ xoay quanh việc đặt câu hỏi, khảo sát, tạo tranh luận, đề cập vấn đề hoặc góc nhìn chưa ai nói trước đây…
Trên đây là những kinh nghiệm cá nhân của Ngân trong việc thu hút và giữ tương tác cho nội dung. Bạn hãy cân nhắc và áp dụng thử cho mình nhé.
Ngoài ra, nếu bạn có bí quyết riêng nào đó, chia sẻ với mình nha.
Hi vọng bài viết hữu ích với bạn.
Chia sẻ của Dương Thị Thanh Ngân