Mục lục
Với nhiều người, bán hàng là việc của mấy người kinh doanh. “Tôi là giáo viên, tôi đâu liên quan gì đến bán hàng”. Thế nhưng hiểu như vậy là quá hẹp về ý nghĩa của hai từ “bán hàng”.
Bạn thử nghĩ xem, trong cuộc đời mình, chắc chắn bạn sẽ phải bán một thứ gì đó, bất luận bạn làm nghề gì. Hoặc là bán ý tưởng, bán đề xuất (ví dụ: nhân viên báo cáo với cấp trên), hay bán chính bản thân bạn (ví dụ: xin việc).
Vậy nên, kỹ năng bán hàng là cần thiết với bất cứ ai, và phải thường xuyên liên tục được cập nhật, cải thiện.
“Ba từ để bán hàng trở nên đơn giản” trong đó chia sẻ định nghĩa của cá nhân về bán hàng như sau:
Bán hàng là quá trình giúp khách hàng xử lý vấn đề của họ bằng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình ( bao gồm cả ý tưởng, tri thức, kinh nghiệm)
Ba từ khóa quan trọng cần phải được hiểu sâu và nhớ kỹ gồm:
- Giúp đỡ
- Vấn đề của khách hàng
- Sản phẩm/dịch vụ của mình
Bài viết này sẽ bàn một số tips để nâng cao hiệu quả bán hàng cho bất kỳ ai.
Mình cho rằng, để làm giỏi một việc gì đó thì trước hết cần phải hiểu đúng về nó và phải yêu nó. Cá nhân mình trước đây, cũng như đại đa số bạn bè của mình, sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ chỉ mong con cái trở thành tiến sĩ, bác sỹ, kỹ sư;
Ít ai muốn con mình trở thành người bán hàng. Vì họ nghĩ, bán hàng là “dụ người khác mua hàng”, là liên quan đến “buôn gian bán lận”, một nghề rất vất vả và không danh giá mấy.
Chính suy nghĩ này của bố mẹ nói riêng, và nói rộng ra là xã hội nói chung, đã làm cho nghề bán hàng trước đây không được coi trọng, thậm chí bị xa lánh. Hồi còn làm Cố vấn Kinh doanh cho Chính phủ NSW, mình thậm chí còn gặp cả những bạn muốn khởi nghiệp kinh doanh nhưng lại sợ bán hàng!
Thế nhưng, như chúng ta vừa phân tích ở trên, bán hàng là công việc cần thiết, thậm chí là diễn ra hàng ngày đối với bất cứ người nào. “Hàng” ở đây không nhất thiết cứ phải là “hàng hóa”, mà nó là bất cứ giá trị nào mà bạn muốn đổi trao với người khác. Và bán hàng cần phải được hiểu là một quá trình giúp đỡ.
Một nhân viên trình bày kế hoạch phát triển thị trường với cấp trên cũng chính là bán hàng, và người nhân viên đó đang tìm cách giúp cho lãnh đạo của mình, công ty của mình xử lý vấn đề thị trường để mở rộng phát triển.
Một sinh viên mới tốt nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng cũng chính là bán hàng, và tân cử nhân đó đang tìm cách giúp cho nhà tuyển dụng hiểu đúng hơn về con người mình, về khả năng của mình trong việc xử lý những yêu cầu công việc mà vị trí đang được tuyển dụng phải đối mặt.
Bán hàng hoàn toàn không phải là “dụ dỗ người khác mua hàng” để kiếm lợi nhuận. Nếu ai bán hàng với hiểu biết và động cơ như vậy thì nhất định sẽ thất bại.
Dưới đây là vài nguyên tắc để giúp bạn bán hàng tốt hơn:
Những việc nên làm
Trước khi bán hàng, bạn cần làm bài tập về nhà. Tức là bạn phải nghiên cứu, tìm hiểu trước về khách hàng của mình. Phải biết rõ họ là ai, đang gặp vấn đề gì, và những gì bạn muốn bán (hàng hóa, dịch vụ, ý tưởng, đề xuất, v.v…) sẽ giúp xử lý vấn đề đó như thế nào.
Ví dụ, trước khi đưa ra một đề xuất với lãnh đạo, thì phải hiểu được các vấn đề lãnh đạo đang quan tâm, và sự liên quan giữa đề xuất của mình với mối quan tâm của họ.
Nếu là những việc quan trọng (tức là bán những hàng hóa quan trọng), thì cần tập luyện trước bằng việc lấy ý kiến góp ý của đồng nghiệp, bạn bè. Trước khi bán cho khách hãy thử bán cho đồng đội thân tín của mình, xem họ sẽ có những mối quan tâm, những câu hỏi phát sinh như thế nào, các kịch bản có thể xảy ra.
Trong khi bán hàng, hãy luôn để ý khả năng thấu hiểu của đối tác, đừng vội vàng đưa quá nhiều thông tin. Và trước khi chuyển sang các bước tiếp theo, đừng quên hỏi “anh/chị có câu hỏi gì chưa ạ, nếu mọi việc vẫn ổn, em xin phép chuyển sang phần tiếp theo”.
Bằng việc liên tục hỏi thăm về việc hiểu của đối tác, mình chẳng những tỏ rõ được sự quan tâm đến họ, mà còn đảm bảo chắc chắn tránh được việc nói thừa, nói quá.
Những việc kiêng kỵ
Tuyệt đối không được căng thẳng. Hãy luôn làm chủ vẻ mặt và tư thế của mình. Căng thẳng sẽ làm cho bạn trở nên kém tự tin trong mắt đối tác. Làm gì có ai mua hàng của người không tự tin về chính họ?
Không được nói nhiều quá, và đặc biệt không được khoa trương một cách lan man. Hãy thực sự tập trung vào những vấn đề của khách hàng. Tìm cách hiểu và đưa ra giải pháp giúp họ.
Trong trường hợp bán hàng không thành công, tuyệt đối không được tự oán trách bản thân. Điều này sẽ chỉ làm bạn nhụt chí và ngày càng kém cỏi hơn mà thôi. Thay vào đó, hãy nhìn vào bức tranh lớn hơn, và tự nói với mình “khách hàng chưa mua là bởi họ chưa sẵn sàng, họ có quá nhiều mối quan tâm khác.” Hãy tiếp tục giữ liên lạc và chờ đợi cơ hội để thử lại.
Chia sẻ của Anh Tuan Nguyen