Học, học nữa, học mãi là cách duy nhất để một con người liên tục tiến bộ và không tụt hậu, đó là chân lý ai cũng biết.
Vấn đề là, không phải ai cũng biết phải học như thế nào vừa tiết kiệm các nguồn lực quý báu như thời gian, tiền bạc và công sức mà vẫn đạt hiệu quả tối đa trong việc dung nạp các kiến thức mình cần.
Vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn khi một người bước vào giai đoạn trưởng thành, làm sao để vừa đi làm đúng chuyên môn nhưng cũng đồng thời học thêm được nhiều điều mới.
Có một thực tế là nhiều người đi làm vẫn rất ham học, muốn biết thêm nhiều thứ nhưng lại tiếp thu không vào. Càng không đạt được kết quả mong muốn, lại càng cố vùi đầu học thêm nữa.
Kết cục, họ luẩn quẩn trong một “đường hầm không lối thoát”, vừa phí thời gian, tiền bạc lẫn công sức. Nguyên nhân suy cho cùng là vì ham học mà không biết cách học mà thôi.
Cuốn Làm sao học ít hiểu nhiều? của bác sĩ tâm thần nổi tiếng người Nhật Bản, Zion Kabasawa, ra đời chính là để phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy.
Bằng kiến thức uyên thâm về cơ chế tiếp nhận, hấp thu và xử lý thông tin của não bộ của hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy về thần kinh và tâm lý học, bác sĩ Zion Kabawwasa sẽ lý giải tận cùng bản chất của việc học.
Từ đó, ông đưa ra những hướng dẫn rất thực tiễn về phương pháp học để vừa tiết kiệm công sức vừa đạt hiệu quả tối đa.
Qua cuốn sách này, bạn sẽ thấy việc học thực ra rất vui vẻ nếu người học biết cách làm sao để học ít hiểu nhiều. Bạn không cần phải có trí thông minh xuất chúng hay bộ nhớ siêu phàm để đạt được mọi mục tiêu học tập mà mình muốn, chỉ cần bạn học được cách học đúng.
Học ít nhưng biết mở rộng, áp dụng, kết nối vào thực tế để thấy được hiệu quả hơn. Từ đó bạn sẽ dàng tiếp thu và ghi nhớ vì nó là xuất phát từ sự suy luận bản năng chứ không bị gò bó bởi sự nhồi nhét khô khan.
Hãy thử áp dụng những chỉ dẫn trong cuốn sách này, và bạn sẽ thấy những cánh cửa mới rộng mở trước mắt mình.
Chia sẻ của Võ Như Khánh