Làm truyền thông 3 năm và nhiều năm gắn bó với nghề viết, bản thân tôi nhiều lúc rơi vào trạng thái cạn ý tưởng và không hài lòng với những bài viết của mình.
Có những bài viết sản phẩm không đạt được mục tiêu như mong muốn, cảm xúc rất tệ. Có nhiều khi có cảm giác khá mông lung về con đường mình đi.
Mình biết nghề truyền thông luôn cần bổ sung kiến thức mới, kinh nghiệm trong một môi trường nhất định là không đủ. Mình quyết định cắp sách đi học.
Tuổi hơi nhiều mà chí không già. Cố lên! Không để mình tụt lại phía sau.
Khá bất ngờ khi rất nhiều điều được học mình đã làm, đã trải qua nhưng không gọi chính xác tên hoặc hệ thống thành 1 bộ tiêu chuẩn nhất định. Nên đôi khi mình làm khá bản năng và không đánh giá được đầy đủ vai trò, tác dụng của mỗi công đoạn.
Mình bắt đầu với Những bài học về Content marketing từ điều đơn giản nhất: Viết đúng! Để viết hay trước hết cần Viết đúng.
Tiêu chuẩn của Đúng gồm đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng insight khách hàng và insight nhãn hàng, đúng tone mood. Để viết được và đánh giá đúng thì cần có kiến thức gồm kiến thức xã hội, kiến thức chuyên môn…
Điều quan trọng cần làm đó là không ngừng trải nghiệm, không ngừng thử thách để có được những kiến thức này, làm chất liệu nền cho bài viết.
Bài viết hay, bài viết đúng là những bài viết tạo có cảm xúc, tạo nên cảm xúc của độc giả, để độc giả có thiện cảm và dẫn tới hành động cụ thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng giống nhau và có cách tiếp nhận thông tin như nhau.
Vì vậy, viết đúng và viết trúng cần phải phân loại khách hàng, để từ đó biết đối tượng khách hàng của mình cần gì, các nhóm đối tượng có thói quen, cách tiếp cận như thế nào. Thay đổi cách viết linh hoạt để phục vụ cho các nhóm đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, dù viết cho ai, cho đối tượng nào cũng phải bám đúng kế hoạch tổng thể.
Phần Quy trình sáng tạo sẽ giúp cho bài viết không đi chệch quỹ đạo, đảm bảo bài viết đúng, trúng và không bỏ sót thông tin quan trọng. Trong đó khi nhận Đề bài cần biết rõ thương hiệu mà mình triển khai, mục tiêu bài viết là gì, vấn đề thương hiệu gặp phải hoặc cần truyền thông.
Tiếp đó là Tìm hiểu đầy đủ thông tin về thương hiệu và vấn đề mình định viết. Khi đã tìm được thông tin cơ bản, đủ dày làm chất liệu thì cần Tự đặt câu hỏi để làm sâu những vấn đề mình cần triển khai và tìm khía cạnh tốt nhất để triển khai.
Khi Viết nên viết liên tục để liền mạch tư duy, viết xong đọc kĩ lại để sửa chữa, thêm bớt cho hợp lý. Ngay khi viết xong không nên đăng luôn mà nên kiểm tra kĩ để tránh sai sót hoặc thiếu ý.
Lập outline cho bài viết là thói quen thường xuyên khi mình viết văn, viết báo trước đây. Outline giúp mình bám đúng vào chủ đề và có cái nhìn tổng thể về bài viết, triển khai những vấn đề gì, ý chính ý phụ thế nào.
Dựa vào outline khi viết sẽ không bị bí từ và thiếu ý, đảm bảo nội dung đầy đặn cho bài viết. Outline ví như khung xương, việc còn lại khi viết là đắp “thịt” và nhào nặn sao cho ra một “cơ thể” hấp dẫn nhất.
Gần đây những bài dài mình vẫn lập outline nhưng với những bài ngắn lại hơi chủ quan.
Lập content calendar là khâu quan trọng trong chương trình học và khá lí thú. Trong quá trình lập calendar giúp mình nhìn lại tổng thể chương trình kế hoạch hoạt động cho thương hiệu, đâu là nội dung chính cần triển khai, đâu là những “ngóc ngách” và khác biệt để tập trung cho nhãn hàng của mình.
Đồng thời nhờ kế hoạch tổng thể, mình sẽ không bị động, bí chủ đề khi viết bài.
Khi tìm hiểu Các dạng bài cụ thể là khi mình nhìn thấy rõ việc “biết mà chẳng thể gọi tên” trong quá trình làm việc. Các dạng bài Advertorial, editorial, master copywriting hay content curation, social post vẫn thường gặp, có dạng thường xuyên sử dụng như advertorial.
Phần kịch bản viral Video mình mới được giới thiệu vào hôm nay.
Ấn tượng với phần học này là cách tìm khoảnh khắc và cú “lật mặt” thay đổi tình thế, tạo cao trào hấp dẫn cho câu chuyện. Mình sẽ đọc kĩ hơn về phần nội dung này để áp dụng cho những video sắp tới.
Chia sẻ của Tuyết Nhung