Để minh họa về một sự thay đổi lớn trong các kỹ năng bạn cần có khi đi làm, không ví dụ nào thiết thực hơn là thời điểm năm 2020 và 2021.
Bạn vẫn hay bắt gặp cụm từ “Kỹ năm mềm bạn nhất định phải có” ở khắp nơi: Trong sách vở, trên mạng xã hội, trong các buổi hội thảo ở các trường đại học. Thế nhưng, đâu là kỹ năng cứng và đâu là kỹ năng mềm? Kỹ năng nào cần và kỹ năng nào không? Kỹ năng nào còn áp dụng ở thời đại này, và kỹ năng nào sớm muộn rồi cũng chẳng ai cần tới?
Mình đã từng trải qua thời gian đại học và chập chững đi làm khá hoang mang về những kỹ năng mình cần phải trau dồi. Chúng thay đổi theo từng giai đoạn trưởng thành của mình, và chúng mình còn bị phân vân bởi có quá nhiều kỹ năng mà ai cũng nói rằng nó cần cho bạn – kết cục là chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Đó là lý do vì sao mình hiểu và mình rất muốn chia sẻ về những kỹ năng “trường tồn với thời gian” mà mình đọc được trong Forever Skills của tác giả Kieran Flanagan và Dan Gregory.
Khuyến cáo: Cuốn sách có khá nhiều thông tin (và cũng khá dày) nên cần thời gian để tiêu hóa. Mình chỉ đọc từng chút một thôi, và mình quan sát, áp dụng những gì vừa đọc vào cuộc sống xung quanh.
Mình cũng muốn thử xem có đúng là Forever Skills hay không nên mình cũng đã tìm kiếm góc nhìn của bạn bè và những người xung quanh. Tụi mình đã có một buổi thảo luận về chuyện nhảy việc và kỹ năng Transferable Skill đã cứu mình như thế nào. Về cơ bản, Transferable Skill là kỹ năng mà bạn có thể chuyển đổi những gì mình đã học được từ công việc và những kinh nghiệm cũ qua một công việc mới.
Chúng ta vẫn hay thuyết phục nhà tuyển dụng rằng những kinh nghiệm của mình ở công ty cũ sẽ phù hợp với công ty mới như thế nào. Điều đó dễ dàng khi bạn chỉ chuyển từ cùng một vị trí sang công ty khác mà thôi. Tuy nhiên, nếu bạn vừa chuyển công ty, vừa chuyển ngành, chuyển cả nghề như mình thì mình áp dụng nó thế nào?
Tất cả những công việc thực tế đều có một mối quan hệ nhất định với nhau. Hơn nữa, việc có một background khác với những người trong nghề sẽ khiến bạn nổi bật hơn vì bạn có những trải nghiệm mà người khác không có. Tất cả những gì bạn cần làm là “Connect the Dots” – nối những điểm tương đồng lại với nhau để tạo ra bức tranh tổng thể.
Ai cũng sẽ cần đến kỹ năng này, vì chúng ta luôn luôn thay đổi. Với mình, kỹ năng này đã giúp mình có được công việc mới.
Nếu nói đến kỹ năng quan trọng nhất, mình vẫn luôn cho rằng kỹ năng giao tiếp và truyền đạt thông tin chính là điều giúp bạn rất nhiều. Quan trọng không phải là ai đúng, mà ai thuyết phục được người khác. Bạn có giỏi giang hay chăm chỉ đến bao nhiêu, nhưng nếu bạn không khiến cho mọi người hiểu được những gì bạn làm thì tất cả đều vô nghĩa.
Kỹ năng giao tiếp trong cuốn sách được trình bày rất khoa học và thuyết phục, không hề giống những cuốn sách khác về giao tiếp mà mình đã từng đọc (mình đọc cũng kha khá sách về chủ đề này khi mình làm chăm sóc khách hàng trước đây).
Kỹ năng truyền đạt thông tin sẽ giúp bạn rất nhiều, không phải chỉ trong thuyết trình hay trao đổi hằng ngày. Những kiến thức sách cung cấp được nghiên cứu kỹ càng, và mình còn có thể áp dụng chúng vào việc viết, thậm chí là viết tài liệu hay viết báo cáo, luận văn.
Suy cho cùng, văn bản cũng là một hình thức giao tiếp, chính vì thế mà ta có thể áp dụng kỹ năng giao tiếp vào việc viết bất kỳ văn bản nào, miễn là ta vẫn giữ đúng cấu trúc và văn phong của văn bản đó.
Mình mới sống được hơn 20 năm, nhưng mình đã thấy được một sự thay đổi ảnh hưởng tới tất cả mọi người như thế nào. Chúng ta có những sự “bình thường mới”, khi mà việc work from home hay home study đã không còn là điều gì quá xa lạ. Những kỹ năng viết cho Millennial đã không còn đúng cho Gen Z. Những kỹ năng Gen Z có trong thời điểm này cũng sẽ chẳng còn đúng khi mọi thứ bình thường trở lại.
Giữ cho bản thân luôn cập nhật những kỹ năng mới là điều tốt, nhưng những điều cốt lõi sẽ tiết kiệm thời gian của bạn rất nhiều. Xây dựng những kỹ năng cho bản thân cũng giống như xây móng cho một ngôi nhà vậy.
Bạn hãy bắt đầu từ nền móng, với những viên gạch và xi măng mà những bác thợ xây vẫn luôn dùng để xây nhà suốt hàng trăm năm qua. Sau khi đã có một cái nền thật chắc, hãy cứ thỏa sức trang trí căn nhà của bạn và đừng ngại thay đổi những món nội thất trong nhà. Mùa xuân bạn có thể cần những cành hoa hồng tươi thắm, nhưng sang mùa đông thì vài cành thông và một vòng tầm gửi có thể sẽ hợp lý hơn đúng không?
Mình tin rằng những kỹ năng trong cuốn sách này sẽ trường tồn theo thời gian, và sẽ giúp ích cho mọi người rất nhiều để vượt qua giai đoạn khó khăn lần này. Còn thời điểm nào hợp lý hơn để có thể học và trau dồi kiến thức thêm cơ chứ? Tranh thủ thời gian ở nhà, hãy cùng học những kỹ năng mới mà bạn vẫn than phiền rằng “không có thời gian”.
Chúng ta sống quá vội, chúng ta cứ mải miết chạy mà chẳng có dịp dừng lại để nhìn xem điều gì mới thực sự là quan trọng. Bây giờ trong tay chúng mình chẳng có gì nhiều ngoài thời gian cả, hãy biến thời gian này trở nên có ý nghĩa.
Chia sẻ của Kim Xuân