“Muốn thành công trong công việc? hãy giúp sếp thành công”. Mỗi lần đào tạo nhân viên mới hoặc đào tạo định kỳ, em đều theo tiêu chí đó là “ Đừng để cho sếp đói thông tin” – Theo em, đây là kỹ năng rất quan trọng của một nhân viên khi làm việc, đặc biệt là tại một doanh nghiệp Nhật Bản như em.
Nhớ ngày đầu khi mới vào công ty, sếp yêu cầu tuyển dụng 50 công nhân nữ cho bộ phận sản xuất. Thời điểm đó, tuyển công nhân nữ rất khó, doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển nữ vì họ chăm chỉ, dễ bảo hơn công nhân nam.
Tình huống bắt buộc phải chọn ứng viên là nam vào thi tuyển. Em đã lập danh sách có hơn 10 bạn nam và để lên mặt bàn sếp ( tất nhiên danh sách có cột giới tính).
Sau đó, sếp đã ký duyệt rồi gửi lại cho em. Ngày thi tuyển, đứng trước cuộc họp sáng, sếp đã phê bình, khiển trách em một cách nặng nề là “ Tại sao yêu cầu tuyển nữ mà lại có ứng viên là nam?” “ Tại sao cho ứng viên nam thi tuyển mà không thông báo?” “ Tại sao lại tự ý quyết định như vậy?” .
Lúc đó, em thấy rất băn khoăn và bức xúc rằng: “ Rõ ràng sếp đã ký vào danh sách rồi mà còn trách mình!” “ Lỗi của ông ta là không đọc kỹ danh sách chứ nhỉ?” “ Thật là vô lý!” . Nhưng mãi sau này, em mới hiểu, đó hoàn toàn là do lỗi của bản thân em, do em đã không liên lạc, bàn bạc và báo cáo tốt với sếp.
Nếu em cầm danh sách lên và giải thích rõ ràng cho sếp về sự thiếu hụt ứng viên nữ, về sự cần thiết phải chọn ứng viên nam thì sếp đã không phê bình như vậy. Em đã để tờ danh sách trên bàn mà không liên lạc gì cả.
Sếp ký luôn là hoàn toàn tin tưởng vào em nên mới như vậy, sếp tin là nếu có gì bất thường thì ắt hẳn em đã lên báo cáo sếp rồi! Có thể, nếu em liên lạc tốt, sếp sẽ đưa ra phương án khác như là lùi thời gian thi tuyển, thuê công ty bên ngoài, tuyển nam chỉ là thời vụ…
Vậy đó, trong công ty Nhật, điều nhân viên bị đánh giá thấp nhất là tự ý quyết định mà không báo cáo, liên lạc và bàn bạc với cấp trên. Việc cung cấp thông tin không chỉ giúp sếp đưa ra một quyết định đúng đắn mà còn giúp mối quan hệ giữa mình và sếp trở nên gần gũi hơn, dễ dàng giải quyết vấn đề hơn. Bởi, các thông tin không chỉ liên quan đến công việc mà còn là thông tin về cách sống, cách suy nghĩ, cách hiểu…
Sau này, khi trở thành nhà quản lý trong doanh nghiệp Nhật, em hiểu rằng, trong công việc, mình phải như một cái “máy phát tín hiệu” vậy. Mình phải biết khi nào sếp cần thông tin gì? thông tin này nếu phòng ban nào biết thì sẽ vui lắm đây?
Thông tin này liên lạc với ai thì sẽ tốt cho công việc của họ… Việc cung cấp thông tin, bàn bạc, liên lạc như một thói quen làm việc hàng ngày chứ không phải là nghĩa vụ nữa!
Chia sẻ của Bùi Thị Thu Hằng