Mục lục
Một trong những định kiến mà mình thường thấy trong các bài báo cáo thống kê về gen Z là, chúng mình rất… lười đọc.
Thật lòng mà nói thì, bệnh lười đọc dài còn phổ biến ở Đông Lào chúng mình, khi mà văn hóa đọc sách vẫn chưa thật sự phổ biến. Đó có lẽ là lý do rất nhiều báo cáo thống kê đều chỉ ra rằng, chúng ta lười đọc content dạng dài, thậm chí chỉ trong khoảng 2 đến 3 nghìn từ.
Nói vậy là content dài sẽ không thu hút và hiệu quả bằng content ngắn đúng không? Chưa chắc đâu nhé, và bài viết hôm nay của mình sẽ giải thích cho bạn độ dài phù hợp của một chiếc content.
Content hay có nằm ở độ dài?
Như mọi khi, mình sẽ nói về content và một số điều cần lưu ý về nó.
Content không nằm ở một dạng nhất định. Nó có thể xoay quanh nhiều dạng như chữ viết, video, hình ảnh, podcast,… Bạn sẽ bắt gặp mỗi dạng content dưới độ dài khác nhau và vẫn không ảnh hưởng đến việc được công chúng yêu thích.
Chẳng hạn như, Tiktok là mạng xã hội đăng tải video ngắn và nhanh khoảng 1 đến 2 phút. Tuy Tiktok đang rất được ưa chuộng bởi phần đông gen Z, nhưng Youtube – với những video thường dài hơn 10 phút – cũng chưa bị xoá xổ. Với mình, Tiktok phù hợp cho những thông tin nhanh, đơn giản như review sách, toplist,… trong khi Youtube mới là nơi ảnh hưởng lớn đến việc tìm hiểu sản phẩm trước khi mua.
Một ví dụ nữa là ở lượt tương tác bài viết của mình trên các group cộng đồng. Những bài viết dài tầm 500 từ đến những post hơn 1500 từ đều đạt được lượt reach và tương tác tốt. Qua nhiều lần thử nghiệm và quan sát, mình biết rõ content hay và độ dài không ràng buộc nhau nhiều tới vậy. Bạn hoàn toàn có thể có được một nội dung hay, miễn là bạn có được bí kíp sau đây của mình.
Để content của bạn trở nên thu hút hơn…
Bí kíp để có được những content chất lượng và đạt tương tác với cộng đồng nằm ở hai chữ: Ý nghĩa.
Content của bạn có ý nghĩa gì với người đọc/xem/nghe nó?
Rất nhiều bạn nghĩ rằng content chỉ để thoả mãn cơn “lên đồng” (mình hay dùng từ này mỗi khi mình lên cơn viết không ngừng được), và rằng các bạn viết để thoả mãn hết cảm xúc trong lòng, thế là đủ. Tất nhiên, nó đã đủ với bạn – nó mang trong mình ý nghĩa giúp bạn thả ra những cảm xúc trong lòng – nhưng nó không có ý nghĩa gì với người đọc ngoài một đống chữ bạn viết khi xả hết cảm xúc. Và thế là, bài viết của bạn không có tương tác.
Ngược lại, khi bạn khéo léo mang những cảm xúc của mình vào bài viết và biến nó thành một bài viết có giá trị cho người đọc: Khi đọc, họ rút ra được những bài học, những lời khuyên; họ được truyền động lực từ bài viết của bạn;… thì đấy lại là một câu chuyện khác.
Ví dụ: Bạn gặp thất bại trong chuyện A và bạn đã vượt qua nó nhờ bạn đã làm B, sau đó bạn nhận ra vấn đề khiến bạn thất bại là C. Chúng ta sẽ có hai xu hướng làm content như sau:
- Bạn chỉ viết về A hoặc C với cảm xúc não nề sau một lần vấp ngã, hoặc vui sướng và hả hê khi vượt qua thất bại kèm đôi ba dòng lời khuyên rất “self help”.
- Bạn kể về A, về C rất ngắn như một background để nêu hướng giải quyết là B, từ đó đưa cảm xúc vào B để mọi người cảm nhận được những khổ đau bế tắc ban đầu, nhưng đồng thời cũng là niềm vui khi giờ đây bạn đã vượt qua nó.
Rất ít người làm được ý thứ hai, vì suy cho cùng nhiều người cho rằng làm content không phải để có ý nghĩa cho cộng đồng mà là thoả mãn cái tôi cá nhân. Có lẽ chính vì thế mà rất nhiều người coi rẻ những người làm content và sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Ví dụ cụ thể tiếp: Mình có làm admin ở một group về thiết kế. Mình thỉnh thoảng cũng đăng bài lên, mặc dù thiết kế mình không xuất sắc nhưng lượt reach lại khá cao. Đó không chỉ nằm ở dạng content chính mà mình đăng (video thiết kế), nó còn vì mình mang lại tính đặc biệt cho người đọc.
Trong một rừng những người chỉ biết đăng thiết kế mà họ tốn công sức làm nhưng chỉ một dòng cap hời hợt kiểu “Mình mò mẫm mãi mới xong video này, mọi người cho mình lời khuyên với”, nếu bạn vượt lên bằng một chiếc cap 10 dòng, chi tiết và có giá trị hơn như cách làm, palette,… thì chắc chắn bạn sẽ được ưa thích hơn.
Khán giả của bạn một ngày phải đối mặt với rất nhiều nội dung khác nhau. Vậy nên hãy luôn đặc biệt nhất để dành được sự chú ý thoáng chốc của họ. Sự đặc biệt nằm ở việc bạn đặt bản thân vào người đọc, và cho họ những ý nghĩa họ cần. Họ đọc bài, họ được gì đó. Bạn được tương tác, bạn cần bỏ ra nhiều công sức hơn.
Tóm lại, độ dài không thật sự quan trọng trong việc làm content. Bạn có thể làm content ngắn hoặc dài đều ổn, miễn là nó truyền tải được một nội dung trọn vẹn và có ý nghĩa với người đọc.
Trong bài viết tới, mình sẽ liệt kê những lỗi sai thường thấy khi làm content cho những bạn newbie. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ dừng lại ở đây với hai phần quan trọng nhất là ý nghĩa mang lại cho khách hàng và tạo điểm khác biệt.
Chia sẻ của Tran Ton