Tôi đã viết bài “Đặt tên thương hiệu, đừng tự trói mình”, cảnh báo việc đặt tên thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ phải hết sức cân nhắc.
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp định bán thứ gì đó, lập tức đặt cho nó một cái tên mà không nghĩ là cái tên đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của thương hiệu.
Nhiều cái tên đã tự giới hạn thị trường, khách hàng, ngành hàng, sản phẩm dịch vụ của mình vì nó quá đặc thù, quá riêng biệt, dù bạn KHÔNG có chủ đích giới hạn nó trong thị trường hay phân khúc đó.
Ví dụ, một thương hiệu thuần Việt quá, đọc và phát âm quá khó đối với nguời nước ngoài, sẽ cản trở việc quốc tế hóa nó về sau; một thương hiệu gắn chặt vào một loại sản phẩm
Ví dụ VinaXoài sẽ khó mở rộng sang các loại trái cây khác như ổi, thanh long, sầu riêng, nhãn…; VinaDép sẽ khó mở rộng sang các sản phẩm giầy, ủng, găng tay, thắt lưng, túi xách, ví da…;
Mà nếu có mở được, thì cũng tốn rất nhiều công sức, chi phí để “cài đặt” lại nhận thức của người tiêu dùng, mà chưa chắc đã hiệu quả!
Chuyện đặt tên con cũng vậy, nếu bạn đặt tên con gái của bạn là Lê Thị Chị Dậu, Nguyễn Trần Thị Nở thì con đường vào giới sô-bít (showbiz) của con bạn sẽ gặp trắc trở về sau, trừ khi con bạn đổi tên…
Logo cũng vậy! Đừng vô tình chọn những logo cột chặt lấy thương hiệu, không cho nó phát triển. Một logo có hình con gà thì mãi mãi bạn chỉ có thể bán những gì liên quan đến gà (thịt gà, trứng gà, gà giống, chuồng gà…).
Một logo có hình ly cà phê bốc khói, thì khách hàng sẽ hiểu thương hiệu này chỉ bán cà phê, và chỉ có thế mạnh về cà phê…
Nếu bạn có chủ đích gắn chặt thương hiệu hay logo vào một loại sản phẩm hay một nhóm khách hàng duy nhất thì cũng tốt thôi; chỉ có điều là bạn phải chắc chắn là bạn CÓ CHỦ ĐÍCH, và chủ đích đó phải CÓ CƠ SỞ!
Ít người hiểu được tên thương hiệu (brand name), logo, thiết kế (design), màu sắc, hình ảnh, hệ thống nhận diện thương hiệu (brand identity)… đều nên và phải theo sau một chiến lược thương hiệu (brand strategy).
Mà chiến lược thì phải theo sau một sứ mệnh thương hiệu (brand mission) và tầm nhìn thương hiệu (brand vision).
Vâng, nghe thì có vẻ xa vời, viển vông lắm, nhưng quả thật là như vậy bạn ạ. Không định hình cho thương hiệu sẽ làm gì, phục vụ ai, đại diện cho cái gì, tình cách nó ra sao, lợi ích mang lại là gì, nó sẽ đi đâu, về đâu…
Mà vội vàng đặt tên thì cũng giống như bác nông dân đặt tên cho cô con gái xinh đẹp của mình là Nguyễn Thị Tí Tèo và vô tình gây khó khăn cho con mình trên con đường đi vào giới “sô-bít”…
Tất nhiên, bạn chẳng cần sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược thương hiệu quái quỷ gì cả, bạn vẫn có thể làm thương hiệu, và thương hiệu này phần nhiều sẽ nổi tiếng và thành danh trong… ngõ hẻm khu phố nhà bạn!
Một phi thuyền không gian có một sứ mệnh là chinh phục không gian. Nó phải được thiết kế NGAY TỪ ĐẦU để bứt ra khỏi sức hút của trái đất và bay vào không gian. Một thương hiệu cũng vậy, nó phải được cởi trói NGAY TỪ ĐẦU!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu