Trong cuộc sống thường ngày, tôi thấy có hai quan điểm khá trái ngược về tiền bạc. Thứ nhất là quá thực dụng với chuyện tiền bạc, luôn cân đo đong đếm mọi thứ -kể cả hạnh phúc. Ngược lại là những người mơ mộng, làm mọi thứ theo cảm hứng mà không quan tâm tới những kết quả sau đó.
Tôi nghĩ rằng hai quan điểm này đều có những vấn đề của nó. Quá thực dụng trong tiền bạc khiến cho đầu óc của chúng ta luôn trong trạng thái căng thẳng. Ăn cũng phải suy tính, đi chơi cũng phải suy tính, du lịch cũng chẳng dám đi luôn.
Đồng ý là chúng ta sẽ tích lũy thêm được một khoản tiền nào đó nhưng so với việc những cơ hội trải nghiệm trôi qua, mất đi mối quan hệ hay thời gian đáng quý mà chúng ta có thể dùng để kết nối với cuộc sống thật sự quá đáng tiếc trên cả phương diện chất lượng cuộc sống lẫn cơ hội phát triển.
Nói như vậy không có nghĩa việc mơ mộng không gặp phải vấn đề tương tự, trường hợp hai sẽ thiên về kiểu “Sướng trước khổ sau”. Chúng ta cứ mơ mộng hết chân trời này tới chân trời khác rồi chợt nhận ra thời gian bay bổng đã hết rồi. Cơm áo gạo tiền sớm kéo chân chúng ta trở lại mặt đất, và tất cả hy vọng sẽ mãi mãi chỉ là hy vọng.
Bản thân tôi cho rằng chúng ta cần phải trung hòa giữa cả hai luồng quan điểm mới là sự lựa chọn hợp lý. Con người ai cũng cần có ước mơ để làm điểm tựa cho một cuộc đời ý nghĩa, nhưng ước mơ chỉ có thể tồn tại khi đã đáp ứng được các nhu cầu căn bản về tiền bạc.
Thời gian qua, tôi cảm thấy khá trăn trở về cách làm sao để chia sẻ giải pháp một cách đơn giản nhất cho mọi người. Thật may mắn khi gặp cuốn sách “Đồng tiền hạnh phúc”. Một cuốn sách mang góc nhìn khá cân bằng giữa tiền bạc và ý nghĩa cuộc đời.
Trước tiên thì đây không phải là một cuốn sách quá sâu về tài chính nhưng nó cơ bản mang đến cho những người không chuyên nhiều kiến thức khá giá trị. Trong cuốn sách, tác giả cũng nêu ra được 3 chức năng sử dụng của tiền là trao đổi, tích lũy và sinh trưởng. Khi đã hiểu về các chức năng căn bản rồi thì chúng ta mới có hướng sử dụng cho hợp lý.
Tác giả đưa ra khái niệm khá thú vị là “Đồng tiền hạnh phúc” và “Đồng tiền đau khổ”. Bởi thực chất đồng tiền chính là thể hiện cho lối sống cũng như cách tư duy của chúng ta. Chỉ cần nhìn xem dòng chảy tiền của bạn đang đi về đâu, tôi sẽ biết bạn có cuộc sống ra sao. Nếu như thu nhập của bạn đến từ một công việc bạn vô cùng yêu thích, tiền này được mang đi cống hiến cho cuộc sống, làm được nhiều việc ý nghĩa,… thì đó là đồng tiền hạnh phúc.
Ngược lại, nếu thu nhập của chúng ta đến từ một công việc mình không yêu thích nhưng không bỏ được, sau đó tiền phải trả lãi thẻ tín dụng, phải trả nợ, tiêu xài lãng phí theo kiểu bị ép buộc thì đó là những đồng tiền chẳng mấy vui vẻ gì.
Vậy vấn đề đến từ đâu? Xem chừng một phần không nhỏ đến từ quá khứ của chúng ta. Nghe có vẻ hơi lạ nhỉ nhưng thử nghĩ mà xem, lối sống của chúng ta bị ảnh hưởng bởi chính môi trường xung quanh, người thân, cha mẹ. Thường thì con người được nuôi dạy thế nào thì con cái họ nghiễm nhiên được nuôi theo như thế. Khi bố mẹ không có nền tảng về hạnh phúc tài chính thì góc nhìn tiền bạc của họ cũng rất mơ hồ.
Vẫn câu chuyện cũ, có những người sẽ nhìn nhận thẳng vào vấn đề để tìm cách để thay đổi, chẳng hạn như học tập để có góc nhìn đúng đắn hơn với tiền bạc. Còn có những người chọn cách chôn giấu cảm giác lo lăng hay sợ hãi khi đối mặt trước tiền bạc, lao vào đầu tư theo kiểu “Hệ tâm linh”.
Có thể sẽ có những khoảng thời gian, họ tạm quên đi được cảm xúc này nhưng chúng sẽ sớm quay lại khiến cả cuộc đời họ chẳng thể nào kết trong hạnh phúc.
Thành tựu chung lại, vẫn còn sống trong cuộc đời thì khó mà không quan tâm tới tiền lắm, cách giải quyết hợp lý nhất là tìm điểm chung hòa giữa tiền bạc và tinh thần. Quan trọng là nhu cầu vật chất của mỗi người mỗi khác, kiến thức hiểu biết, khả năng quản trị cảm xúc cũng khác.
Đừng áp đặt suy nghĩ của người khác lên mình một cách rập khuôn vô lối, hiểu mình trước rồi đưa ra kế hoạch tự thân. Tiền bạc âu cho cùng cũng là một chặng nhỏ trên một hành trình lớn thôi. Chánh kiến về nó là nền tảng để ta hạnh phúc.
À đừng quên là trước hết, hãy trả lời câu hỏi:
“Bạn định kiếm bao nhiêu tiền là đủ? Và tại sao bạn cần từng ấy tiền?”
Chia sẻ của Hoàng Ngọc Anh