Mục lục
Như các bạn đã biết, Content Marketing bao hàm rất nhiều mảng và nhóm ngành khác nhau, đòi hỏi sự đa dạng và thích ứng của anh em ta mỗi khi có công việc chạy đến. Điều quan trọng của một ông làm cái nghề này là từ ngôn tình cho đến thuốc trị viêm đại tràng cũng có thể viết được nuột nà.
Không bàn đến những mẫu quảng cáo có công thức A+B=C. Bài viết này nói đến một công thức mơ hồ hơn, dành cho những người mong muốn phát triển cộng đồng bằng những bài viết mang tính cảm xúc cao.
Các bạn tìm đến mình với công việc viết lách, rất nhiều người bị mắc phải một lỗi trong khâu truyền tải cảm xúc, tức là những suy nghĩ trong đầu, dù rất lung linh, hay thậm chí là một bản tình ca thấm đẫm nước mắt, với những nhân vật đầy sâu sắc và đầy ắp khổ đau; Trớ trêu thay, cho tới khi câu chuyện ấy được đưa lên trang giấy, lại chẳng thấy mấy tình tiết đấy nằm đâu.
Điều quan trọng là có thể bạn có một giọng văn tốt (Đây là một tài năng “bẩm sinh” không ai giống ai), nhưng lỗi nằm ở việc bạn không thể duy trì được điều ấy cho tới khi cộng đồng chú ý tới bạn.
Vì một hai câu chuyện đầu, bạn cảm thấy tự hào với những dòng văn đáng đọc đi đọc lại, nhưng tới khi phải viết từng ngày, từng ngày, thì mạch văn ấy bỗng dung mất đi, bạn không biết tìm cảm hứng từ đâu, tự dưng thấy mấy câu văn của mình nhạt nhẽo khô khốc phát sợ. Điều gì xảy ra vậy?
Giống như khi chọn quần áo vậy, mỗi người có một Guu thưởng thức riêng. Có bao giờ bạn thấy bài mình viết hay, người khác cũng khen hay, nhưng lại không biết vì sao hay không?
Mình cũng đã nghiên cứu khá kỹ về những nội dung này, thông qua chính kinh nghiệm của bản thân, và việc phân tích các fanpage nổi bật trong việc viết những câu chuyện thu hút. Cuối cùng sau vài tháng mày mò vẽ vời, mình có thể cơ bản vẽ ra được một công thức “có thể gọi” là áp dụng được cho những bài viết cảm xúc, thứ mà sẽ được chia sẻ cho các bạn ở ngay dưới đây.
Trước hết tôi xin phép, bài viết này sẽ không hướng dẫn các bạn cách lựa chọn giọng văn để phù hợp với khách hàng. Vì mỗi người có một sản phẩm riêng, một nhóm khách hàng riêng, nếu các bạn hỏi tôi “Viết cho fanpage này thì giọng thế nào” hay “Bài viết này cho đối tượng nào đọc” thì xin lỗi, bài viết này không trong phạm vi trả lời của chúng ta.
Chúng ta hãy nhìn vào một đoạn văn bất kỳ, mở một tab mới và tìm đến một bài viết gần đây nhất các bạn cảm thấy đáng đọc. Các yếu tố để cấu thành một bài viết tốt, bao gồm:
Cách lựa chọn từ ngữ, kỹ năng nối các từ ngữ
Việc chọn lọc từ ngữ là vô cùng quan trọng, khi bạn dùng đi dùng lại một thán từ, hay một tính từ mà bạn cho là tuyệt vời, cảm xúc người đọc sẽ bị tụt đi do mạch văn bị vướng víu những từ ngữ lặp lại. Từ ngữ khác nhau cũng tạo ra những cảm xúc khác nhau, vậy nên trước tiên bạn nên tìm cách cải thiện vốn từ ngữ tiếng Việt của mình.
Cách sử dụng độ dài câu, mạch văn giữa các câu
Câu ngắn, câu dài, câu kép, câu đơn, tất cả đều có tác dụng cho người đọc hiểu được ý tác giả muốn truyền tải, là cảm xúc gì. Không chỉ câu từ, độ dài câu cũng góp phần rất lớn để tạo ra sự thoải mái cho người đọc, không bị cảm thấy vướng víu, khó chịu mỗi khi đọc.
Cách thu hút thị giác bằng độ dài các đoạn văn
Có đôi lúc mình đọc được những bài viết rất hay, rất nhiều nội dung hấp dẫn, nhưng lượng tương tác lại tương đối thấp. Lý do chính là bởi người viết không cho người đọc cơ hội cảm thấy hứng thú. Một đoạn văn quá dài, quá tham lam trong nội dung sẽ bị người đọc phớt lờ không thương tiếc.
Cách sử dụng các biện pháp tu từ trong bài viết
Đây là lúc kiến thức hồi đi học của các bạn được phát huy. Nên nhớ người đọc rất thích sự liên tưởng hóa, vậy nên không lý gì mà chúng ta không làm khách hàng thấy sướng bởi những câu so sánh, nhân hóa, ẩn dụ hay đưa ra những ví dụ gây liên tưởng.
Việc điều phối một bài viết cũng cần có sự quan tâm từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài. Ở bài viết sau mình sẽ nói sâu hơn về 4 yếu tố này, với dẫn chứng rõ ràng và ví dụ cụ thể hơn.
Cảm ơn các bạn vì đã theo dõi, hy vọng sẽ chia sẻ được cho các bạn những kiến thức bổ ích.
Chia sẻ của Hùng Nguyễn