Mục lục
Binh pháp là những tổng kết có tính chất kinh điển được rút ra từ những cuộc chiến tranh, nó vừa có tính khoa học lại vừa có tính nghệ thuật. Cái hay của binh pháp là mặc dù nội dung chỉ nói về chiến tranh nhưng có thể ứng dụng nó cho rất nhiều lĩnh vực như: kinh doanh, thể thao, marketing…
Làm việc trong ngành online marketing suốt ngày làm việc với những con số khô khan cũng chán nên thử để tâm trí bay bổng một chút đưa những chiến thuật marketing kết hợp với binh pháp để anh em đọc chơi xem sao.
Bài 1: Chiến thuật Trinh sát – Pháo binh
Trong chiến tranh hiện đại có một chiến thuật được dùng khá phổ biến là dùng một đội trinh sát luồn sâu vào lòng địch, đội trinh sát không nổ súng chỉ định vị những vị trí có địch sau đó báo tọa độ, biết chính xác tọa độ pháo binh cứ thế mà giã vào trận địa địch. Đây là cách phối hợp 2 binh chủng có đặc tính rất khác nhau mà nếu tách riêng thì hiệu quả sẽ kém hơn nhiều.
Trinh sát với ưu điểm là khả năng giữ bí mật và luồn sâu vào lòng địch để xác định mục tiêu, điểm yếu của trinh sát là lực lượng yếu. Với lực lượng mỗi nhóm dưới 10 người lại ở sâu trong trận địa đối phương thì khi bị phát hiện thì xác định là toi, dù đây là những người lính cực kỳ giỏi thì với số lượng chênh lệch bắn nhau chắc chắn chết. Chuyện 10 thằng nổ súng bòm bòm giết kẻ địch như sung rồi rút ra an toàn cả đội thì chỉ có trong phim hành động.
Pháo binh thì ngược lại ưu điểm là đánh từ xa, hỏa lực thuộc dạng khủng bố mỗi phát đạn có thể đi cả tiểu đội nhưng nhược điểm là nếu không có người chỉ điểm thì không biết bắn vào đâu.
Khi kết hợp 2 lực lượng này thì kết quả vượt xa hiệu quả của mỗi binh chủng nếu đánh riêng lẻ. Trinh sát chỉ cần núp trong rừng đọc tọa độ cho pháo binh thế là bòm bòm bòm, trăm quả pháo kiểu gì chẳng dính được vài quả, tổn thất về người thì hầu như không có.
Chúng ta áp dụng cách đánh này như thế nào vào online marketing
Tôi có một job là làm marketing cho một website bán hạt điều, làm SEO mãi cũng chỉ top 3,4 mà bây giờ thì kết quả tìm kiếm của Google nguyên 4 kết quả đầu tiên là Google ads, thêm 3 cái Google business, cộng thêm thằng Google shopping bên trên thì top 3-4 của mình thành top 11-12 nên bán hàng chẳng ăn thua.
Nếu giữ nguyên cách làm cũ là SEO để bán hàng thì chắc đói mốc mép, cần phải có cách tiếp cận mới thì mới sống nổi. Vì vậy tôi đã tìm cách phối hợp binh chủng giữa SEO và GDN remarketing, Facebook retarget để hình thành chiến thuật trinh sát – pháo binh.
Đầu tiên phải thay đổi cách tiếp cận với SEO, không nên coi SEO là chủ lực bán hàng nữa mà phải coi SEO là lực lượng trinh sát. Đừng đâm đầu vào những từ khóa chính như “hạt điều”, “hạt điều rang muối”,… mà hãy suy nghĩ rộng hơn với những câu hỏi:
- Khách hàng mua hạt điều làm gì?
- Tại sao lại mua?
- Ai mua hạt điều?
- ….
Trả lời những câu hỏi đó bạn sẽ có vô số những cụm từ khóa để tiếp cận, ví dụ khi đi theo câu hỏi: Người ta mua hạt điều để làm gì -> Có rất nhiều câu trả lời nhưng tôi tạm chọn 1 câu trả lời để làm ví dụ: Người ta mua hạt điều để làm quà cho người nước ngoài -> người nước ngoài là người nước nào -> người Đài Loan
OK vậy là tôi có cụm từ: Mua quà gì tặng người Đài Loan
Với những cụm từ như vậy thì việc SEO sẽ dễ hơn nhiều, và có vô số những cụm từ như thế nên bạn sẽ luôn tìm được những cụm từ khóa ít cạnh tranh.
Cách làm này có thể ví như việc đi trinh sát, thay vì đào hầm cắm chốt ở trận địa của mình (Cố gắng SEO các từ khóa chính) các trinh sát cần phải bò ra ngoài đi loăng quăng đề tìm hiểu tình hình địch. Khi phát hiện ra địch thì không nổ súng (Bài viết SEO lên không dùng để Sales) mà chỉ cần chỉ điểm để pháo binh nã đạn
Vậy pháo binh là cái gì? Và giã pháo như thế nào?
Khi một khách hàng vào đọc bài viết “Mua quà gì tặng người Đài Loan” tôi định vị được ngay đây là một khách hàng có nhu cầu mua quà tặng cho bạn bè hoặc đối tác là người Đài Loan. Ha ha vậy là định vị được nhu cầu của khách hàng rồi và tôi đã có cookie để remarketing và retarget.
Trong vòng 1 tuần tôi sẽ giã vào khách hàng 100 quảng cáo với thông điệp “Hạt điều Việt Nam là quà tặng tuyệt vời cho người Đài Loan” 100 thông điệp / tuần mà thông điệp lại cực chất, phù hợp với đúng nhu cầu của khách hàng thì kiểu gì 100 khách cũng phải kiếm được 5-10 đơn.
Chi phí mỗi thông điệp quảng cáo là 20 VND trên GDN và 30 VND trên Facebook thì trung bình mỗi khách hàng tiêu hết: 2.500 VND, 100 khách tiêu hết 250k. Tệ lắm kiếm được 5 đơn chi phí trên mỗi đơn hàng là 50k, nếu tốt hơn được 10 đơn thì chi phí trên mỗi đơn là 25K. Một kết quả không hề tồi.
Ở đây có thể ví Remarketing, Retargeting như những khẩu pháo đầy uy lực với khả năng giã liên tiếp quảng cáo đến với khách hàng với tần suất rất khủng là 100 – 500 lần/tuần.
Ưu điểm của remarketing, retargeting khi chạy chế độ CPM là chi phí hiển thị rất rẻ, chỉ 20-30 đồng/lần, nhưng nhược điểm của nó là nếu không biết mục tiêu chính xác thì chỉ có đốt tiền. Mà việc định vị toạ độ thì anh chàng trinh sát SEO đã làm rất tốt rồi.
Túm lại là online marketing đã qua rồi cái thời độc lập tác chiến, SEO, Adwords, Facebook Ads mạnh thằng nào thằng đấy chạy. Online marketing đã bước sang thời kỳ hiệp đồng binh chủng, lúc này cần có những “Bộ tư lệnh chiến dịch online marketing” để phối hợp nhịp nhàng các binh chủng để đạt được những hiệu quả tốt hơn hẳn so với chạy riêng lẻ từng thằng.
Chia sẻ của Chu Dinh Chau