Tôi có bài viết nói rằng một thương hiệu mạnh bắt buộc phải có fan và anti-fan (những người không thích, thậm chí ghét bỏ).
Nếu không có anti-fan, thương hiệu sẽ nhạt nhòa, không có bản sắc, không có lập trường, không có cá tính, không để lại dấu ấn gì trong tâm trí khách hàng.
Khi thương hiệu 7-up tuyên bố mình là The “Uncola” (nước giải khát không có cola) để định vị “đối kháng” với các thương hiệu lớn có chứa cola như Coca – Cola và Pepsi, nó đã có hàng loạt anti-fan là những người thích cola, nhưng ngược lại cũng có rất nhiều fan là những người không thích cola.
Khi một thương hiệu hàng không giá rẻ ra đời, antifan của nó là những người thích đi máy bay hạng sang, không thích đi máy bay giá rẻ. Khi một quán thịt chó ra đời, antifan của nó là những người ghét ăn thịt chó.
Một thương hiệu nước mắm công nghiệp bắt buộc phải có antifan là những người thích ăn nước mắm truyền thống…
Khi bất cứ nơi nào cấm tiệt quảng cáo và khoe bằng cấp, chức vụ, chuyên gia này nọ, nó ắt có antifan là những người thích quảng cáo và thích khoe bằng cấp, chức vụ, chuyên gia này nọ.
Antifan góp phần định nghĩa fan và làm rõ định vị, bản sắc, tính cách thương hiệu. Chính nhờ thế mà các thương hiệu mới có thể mạnh lên.
Không có antifan, thương hiệu sẽ nhạt nhòa, không có lập trường, không bản sắc, không cá tính. Nó sẽ chẳng để lại dấu ấn gì đặc biệt trong tâm trí khách hàng, và khó có thể trở thành thương hiệu mạnh!
Chia sẻ của Nguyễn Hữu Long