Mục lục
Em đã từng thắc mắc rất nhiều, khi làm Marketing, có phải cứ cố gắng để post hay sản phẩm của mình viral, rồi cố gắng chạy quảng cáo thật “trâu” để ra đơn là được?
Nhưng tại sao sản phẩm của mình lại chẳng mấy khi được người dùng nhớ trong lòng, chẳng thể trở thành một phần trong cuộc sống người tiêu dùng?
Có ai từng thắc mắc giống em, rằng tại sao khi nói đến nước ngọt thì người ta hay nhớ đến Coca, Pepsi, nhắc đến nước rửa tay là Lifeboy? Tại sao khi nhắc đến Starbucks thì người ta hay nhớ đến sản phẩm mang lại nguồn cảm hứng mỗi ngày (daily inspiration)?
Hay là nhắc đến Disney thì nhớ đến những giấc mơ thơ trẻ thành hiện thực (dream come true?)
Thắc mắc thì hơi dài dòng, nhưng thực ra tất cả những điều trên đều là quản trị thương hiệu, đều là làm branding tốt mà ra.
Thương hiệu (brand) và xây dựng thương hiệu (branding) là gì?
Thương hiệu (Brand) là một lời hứa về việc mình là ai, và những lợi ích nào mình có thể đem lại cho khách hàng.
Lời hứa này được nhấn mạnh, củng cố mỗi lần khách hàng tiếp xúc với bất kỳ khía cạnh nào của doanh nghiệp (từ sản phẩm, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, v.v) (Chiaravalle B., Schenck Barbara F., 2007).
Thương hiệu thường được thiết lập bằng cách xây dựng niềm tin vào một lời hứa có một không hai về mình là ai, bạn đại diện cho điều gì và những lợi ích độc đáo và có ý nghĩa mà bạn mang lại.
Xây dựng thương hiệu (Branding) là một quá trình xây dựng những nhận thức/nhận định của khách hàng một cách tích cực về doanh nghiệp (Chiaravalle B., Schenck Barbara F., 2007).
Đây thường là một quá trình dài (có khi cả chục, trăm năm) và trải rộng mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Dù là khi bán sản phẩm cho khách hàng, khi kêu gọi đầu tư hay thuê nhân viên, thông điệp của thương hiệu luôn được đặt lên hàng đầu và đưa ra những quyết định phù hợp với thông điệp đó.
Ví dụ: Chị A muốn xây dựng thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên, với lời hứa (thương hiệu) là một nhãn hàng thuần thiên nhiên, thân thiện với môi trường và quan tâm đến sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, để xây dựng thương hiệu (branding):
- Trong khâu sản xuất, chị kiểm tra rõ nguồn gốc, nguyên liệu, sử dụng những chai, lọ, túi đựng có thể tái chế.
- Khi đóng gói, chị thiết kế nhãn mang màu sắc nhẹ nhàng, tone xanh, dùng hình ảnh cây, hoa, lá và thiết kế logo cũng theme như vậy.
- Khi xây dựng cửa hàng, chị chọn những vật liệu gỗ, dùng tinh dầu hương gỗ để tạo cảm giác nhẹ nhõm cho khách khi bước vào cửa hàng, dùng tone màu xanh, nâu, trắng để phù hợp với chủ đề “Thiên nhiên”.
- Chị không chỉ chạy quảng cáo để nhấn mạnh nguồn gốc, thành phần thiên nhiên của sản phẩm, chị cũng đăng rất nhiều bài về bảo vệ môi trường để góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình.
- Không chỉ bó hẹp trong việc chạy bài trên mạng xã hội, chị đưa sản phẩm đến các sự kiện Garage Sale bán hàng quyên góp để trồng cây xanh, tổ chức hay đầu tư vào các sự kiện với chủ đề môi trường.
- Khi đưa sản phẩm đến với khách hàng, chị đơn giản hóa khâu đóng gói, chuyển hàng để bớt rác thải và luôn kèm một tờ ghi chú nhỏ về cách tái sử dụng sản phẩm như trồng hành/tỏi trong chai lọ dùng rồi.
- Sau khi bán được sản phẩm, chị cử nhân viên chăm sóc khách hàng, ngỏ ý có thể thu gom chai lọ của sản phẩm đã dùng rồi và refill nếu khách hàng muốn mua lại
- Tiêu chí tuyển nhân viên của chị cũng rất chú trọng vào kiến thức cũng như ý thức bảo vệ môi trường của ứng viên
- Và vân vân
Tất cả những việc làm trên của chị A đều là để xây dựng thương hiệu đúng với lời hứa ban đầu “Thiên nhiên – Thân thiện môi trường – Phát triển bền vững”.
Lợi ích của branding
Lợi ích của việc xây dựng thương hiệu thì nhiều vô kể, nhưng tựu chung, quan trọng nhất là: Xây dựng thương hiệu để TẠO NÊN LÒNG TIN.
Khách hàng có thể trả giá cao hơn cho cùng 1 sản phẩm nhưng của brand uy tín mà họ tin tưởng, biết rằng là 1 brand tốt, phù hợp với lối sống của họ.
Ví dụ như trường hợp của chị A, với vô vàn các hãng mỹ phẩm đóng mác “Sản phẩm thiên nhiên”, nhưng khi cần mua mỹ phẩm, một khách hàng với lối sống tối giản, eco-friendly sẽ luôn tìm đến chị A dù giá sản phẩm của chị đắt hơn 50-100k so với thị trường.
Lý do là vì chị đã xây dựng một hình ảnh brand thực sự quan tâm đến môi trường chứ không chỉ quảng cáo “Sản phẩm hãng tôi 100% làm từ thiên nhiên”.
Khi đã tạo được lòng tin của khách hàng thì vô vàn những lợi ích khác sẽ được kèm theo.
- Mỗi lần bán hàng, doanh nghiệp cũng không phải cố gắng giải thích lý do tại sao khách hàng nên chọn mình mà có thể tập trung vào việc thỏa mãn nhu cầu của khách hàng về mặt sản phẩm và dịch vụ.
- Các nhà phân phối, bán lẻ cũng sẽ dành nhiều diện tích cửa hàng hơn cho những brand lớn, được khách hàng tin tưởng.
- Không chỉ vậy, nhãn hàng cũng thu hút và giữ chân được nhiều nhân tài hơn do họ có sự tin tưởng vào brand, tin vào môi trường làm việc cũng như đạo đức của brand.
- Và còn nhiều nhiều nữa…
Vậy thì..
Tại sao không phải doanh nghiệp nào cũng chú trọng vào branding?
Vì branding là một quá trình rất dài, vô cùng tốn thời gian, nhân lực cũng như tiền bạc, nên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ kiên nhẫn và tầm nhìn để xây dựng hình ảnh thương hiệu cho riêng mình.
Ví như chị A, nếu không có đủ vốn, chị sẽ chẳng thể tìm được nguyên liệu thiên nhiên chất lượng, sẽ chẳng có nhân lực thu gom chai sản phẩm đã dùng hay chẳng có tiền để tổ chức, đầu tư cho sự kiện về môi trường. Và nếu chị A không phải chủ doanh nghiệp, hay quản lý cấp cao thì việc này sẽ càng khó khăn.
Kết luận là…
Branding không ăn được, đôi khi còn mất miếng ăn, nhưng nếu theo đuổi lâu dài, có tầm nhìn thì làm branding giỏi sẽ có nhiều tiền để ăn.
Chia sẻ của Biệt Đội Marketers 4 Cấp Độ.