Mình mới bắt đầu làm Copywriter tầm vài tháng trở lại đây, mà cơ duyên đến với công việc này cũng khá là kỳ thú.
Sau một năm trượt dốc mất định hướng, mình được nhận vào công ty vì từng làm nội dung TikTok, chứ không hẳn là có chuyên môn hay điều gì nổi trội.
Buổi phỏng vấn hôm đó mình tự đánh giá là tệ nhất trong “hành trình” đi xin việc, trớ trêu thay lý do khiến mình mất bình tĩnh là vì nhan sắc người phỏng vấn.
Thế là mình chính thức đồng hành cùng mọi người trong công ty với vị trí Copywriter, ôm vài job lớn nhỏ với “mùa trăng” feedback kéo dài.
Nếu mẹ của Forrest Gump so sánh cuộc đời như viên chocolate thì mình xin phép được so sánh cuộc sống làm agency như chiếc bánh trung thu mà chúng ta chẳng biết bên trong nhân đậu xanh hay thập cẩm.
Đổi lại mình được trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ hơn trong công việc viết lách, tự tìm ra sự thú vị riêng theo góc nhìn cá nhân. Và, mình sẽ kể cho mọi người nghe lý do vì sao vị trí Copywriter trong ngành Influencer Marketing rất đáng để thử.
Sau khoảng thời gian được “nếm trải” sương sương, mình nhận thấy Copywriter không chỉ biết “sao chép” ý tưởng của người ta thành của mình, hay viết quảng cáo đủ thể loại, mà còn “nhập vai” vào các tầng lớp xã hội và ngành nghề khác nhau để hoàn thành tốt “vai diễn” của mình.
Mình hay nói đùa với đứa bạn thân rằng, công việc của tao là “diễn xuất” bằng câu chữ, sáng đóng vai siêu mẫu có mái tóc dài suôn mượt nhờ sử dụng dầu gội đầu của thương hiệu A, đến chiều lại thành Hot mom bỉm sữa tư vấn tháp dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của bé. Một ngày vừa làm chuyên gia chứng khoán, vừa làm beauty blogger là bình thường.
Có lẽ, đó chính là sự thú vị khiến mình tận hưởng công việc này mỗi ngày. Lâu lâu được viết bài cho thần tượng còn khiến mình sướng rơn người, chau chuốt từng câu chữ sao cho giống với voice của người ấy nhất.
Thế nhưng, thế lực tối cao mang tên “khách hàng” đã mang đến một chân lý nữa, đó là diễn tròn vai thôi vẫn chưa đủ. Trong lần mình nhận viết caption KOL quảng cáo cho nhãn hàng C, bài viết bị sửa tới sửa lui với feedback là “không giống với voice của KOL”. Điều đáng nói ở đây, mình từng có thời gian làm trợ lý cho KOL đó và thậm chí ở cạnh nhau 24/7.
Thế mà, đúng cái bài viết về KOL đó mình lại bị sửa nhiều nhất trước giờ. Mình cũng khá khó hiểu, tự nhiên nhớ đến câu chuyện nhà văn Nguyễn Khải nhận lời phê lạc đề từ cô giáo của con trai.
Hoá ra diễn tròn vai chỉ là sự đòi hỏi cơ bản, quan trọng là làm sao bắt chước được ngữ điệu và tính cách của KOL để lồng ghép sản phẩm cho hợp lý.
Khả năng “diễn xuất” thượng thừa nằm ở chỗ cân đối được yếu tố quảng cáo của nhãn hàng và voice của KOL theo cách tài tình nhất, công chúng tin bài đăng đó là do chính KOL viết và tiếp nhận yếu tố quảng cáo tích cực. Thế là bạn đã hoàn thành xuất sắc “vai diễn” của mình rồi đấy!
Kết lại, chia sẻ của mình chỉ là một phần rất nhỏ trong tất cả những thứ mà vị trí Copywriter có thể làm.
Sự thú vị mà mỗi người cảm nhận trong công việc yêu thích là khác nhau, tuy viết bài cho KOL không phải là công việc chính của Copywriter nhưng lại là phần khiến bản thân mình khá hứng thú. Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây nhé!!!
Chia sẻ của Đức Thành