Mục lục
Có nhiều doanh nghiệp tồn tại ba bốn năm (mà đôi khi dùng từ cầm cự hay vật lộn cũng chẳng sai) vẫn thường nói Thương hiệu bên anh/chị đã được khẳng định, nhưng hỏi lại khẳng định như thế nào ạ thì…
Nguyên do là gì, lạm bàn cùng DuyMarx ha.
Hoạt động càng lâu năm, thương hiệu càng đứng vững
Có tuổi đời chỉ phản ánh rằng đó là một công ty có khả năng thích nghi hay chống trọi tốt với thị trường, không hơn không kém và chắc chắn không liên quan gì đến thứ gọi là thương hiệu. Liệu một công ty công nghệ đã tồn tại vài ba năm có cung cấp được sản phẩm chất lượng hơn công ty vừa mới start-up và được nhiều người dùng tích cực ủng hộ vì có ba tháng dùng miễn phí… Và thực tế cũng đâu thiếu những chuyện danh tiếng nhiều năm gây dựng của một công ty lớn đi tong chỉ với một phốt sau một đêm.
Giải thưởng càng nhiều, thương hiệu càng uy tín
Đâu cũng khoe một danh sách giải thưởng chỉ thể hiện rằng công ty đây ham danh hiệu phù phiếm hơn là tập trung tối ưu chất lượng sản phục hay trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng, tệ hơn nữa là vướng lùm xùm bỏ tiền ra để mua cúp làm màu, loè người. Vậy nên không cần quá nhiều chứng nhận hay giải thường, chỉ cần một vài nhưng nếu đó là giải thưởng mang tầm cỡ quốc gia, thậm chí là quốc tế đã đủ toát lên vị thế thương hiệu rồi. Mà thực ra, sự công nhận của khách hàng mới là điều mọi công ty cần chú trọng nhất chứ nhỉ?
Doanh thu bán càng lớn, thương hiệu càng được khẳng định
Lạ này, mà thật là có nhiều người nghĩ như vậy này. Tạm chưa bàn đến công ty có cạnh tranh về giá hay địa điểm hay ngân sách quảng cáo không thì hàng bán chạy thường chỉ chứng tỏ đội sale đang làm việc chăm chỉ, đội sale còn làm thì doanh thu còn về.
Khách hàng hiếm ai lại tin tưởng mua sản phẩm chỉ vì công ty khoe năm trước đạt vượt mốc doanh thu mấy chục tỉ. Hãy khoe thông tin đó với đối tác hay nhà đầu tư (hay với vợ, bố mẹ vợ) chứ thiết nghĩ ai lại dùng con số doanh thu hay lợi nhuận này để chứng minh sức mạnh thương hiệu hoặc nghĩ làm vậy thương hiệu trông sẽ uy tín hơn nhỉ?
Nhân viên càng nhiều, thương hiệu càng chuyên nghiệp
Đông nhân viên chỉ chứng tỏ công ty cần quỹ lương lớn hoặc nếu không tương đồng với chất lượng sản phẩm thì chỉ thể hiện năng lực quản trị con người còn hạn chế mà thôi.
Bảo so khoe tổng số lượng nhân viên để làm thương hiệu tuyển dụng thì còn hợp lý, chứ nếu để khẳng định thương hiệu công ty thì hoang mang thực sự. Cơ mà dù là thương hiệu tuyển dụng thì cũng đâu phải cứ chụp ảnh dàn đội hình nhân viên hùng hậu giơ tay cười tươi mắt cùng nhìn về một hướng là hình thành văn hoá doanh nghiệp đủ để thu hút người tài đâu nhỉ?
Chuỗi cơ sở càng nhiều, thương hiệu càng tầm cỡ
Hệ thống chi nhánh, nhà hàng, showroom càng trải rộng thì chỉ thể hiện ông chủ hay ban giám đốc càng… tham mà thôi, còn tham vọng hay tham lam thì chưa cần bàn tới. Nhưng ý chính ở đây là đừng chỉ chú trọng khoe sự bành trướng mô hình kinh doanh rồi tự huyễn hoặc thương hiệu đang phát triển mà quên đi các khía cạnh khác.
Đó là chưa kể rủi ro điển hình của dạng chuỗi là nếu một mắt ch gây phốt thì khách hàng sẽ đánh đồng toàn bộ chuỗi cũng dễ láo nháo, củ chuối như vậy. Và thương hiệu mà chỉ dựa trên số lượng cơ sở rất dễ bị bay màu, phải không ạ?
Quảng cáo càng nhiều, thương hiệu càng nhanh lên top-of-mind
Có hai cơ chế não bộ để ghi nhớ một thông tin, hoặc là lặp đi lặp lại, hoặc là liên kết thông tin đó với một trạng thái cảm xúc mạnh hoặc một thông tin đã ghi nhớ sẵn.
Thường thì cơ chế thứ nhất bị coi là hạ sách (vì sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và ngân sách), dân làm truyền thông mà áp dụng cơ chế thứ nhất bị coi là hạ đẳng. Rầm rộ quảng cáo mà nội dung chẳng thú vị, thậm chí gây phản cảm thì chỉ khiến khách hàng hay người tiêu dùng khó chịu vì bị làm phiền quá nhiều rồi quay lưng với công ty.
Bởi vậy làm sao quảng cáo chạm tới trái tim của khán giả, khiến cơ chế ghi nhớ thứ hai của não bộ được kích hoạt mới là thượng sách. Quảng cáo chất, bất ngờ, ý nghĩa khiến người xem không khỏi suy nghĩ về nó và sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, người thân hay một nửa của mình… Khi đó hẳn người đời mới công nhận là làm thương hiệu, đúng chăng?
Chủ càng nổi tiếng, thương hiệu công ty càng có chỗ đứng
Ông chủ nổi tiếng thì thương hiệu cá nhân của ông chủ lớn chứ bản chất chẳng liên quan quá mật thiết tới sức mạnh thương hiệu của công ty mà ông ta đang hay từng làm chủ. Đúng là nếu chủ công ty là người có tầm ảnh hưởng nhất định tới công chúng thì sản phẩm công ty sẽ dễ bán hơn.
Nhưng đó là vì khách hàng tin với thương hiệu cá nhân đang có của ông ta thì chắc hẳn công ty của ổng không thể làm ăn láo nháo được chứ không phải xuất phát từ sự tin tưởng định vị thương hiệu của công ty. Rồi một vài chục năm nữa ông chủ chỉ còn danh chứ không còn mặt hoặc tệ hơn là ông chủ vướng lùm xùm tình ái hay pháp luật thì công ty sụp đổ à?
Khách hàng lớn hay đối tác lớn càng nhiều, thương hiệu càng mạnh
Ngây thơ một cách khờ khạo mà đáng yêu, thế nhưng đó lại là tư duy của không ít người buổi đầu làm chủ hay làm marketing. Cho rằng cứ đặt logo mấy công ty có tiếng tăm lên website phần khách hàng hay đối tác là tự động thương hiệu công ty sẽ sánh tầm cùng những ông lớn đấy.
Nhận được một cái brief hay một đơn hàng nhỏ của một đơn vị thuộc một tập đoàn nào đó mà chưa chắc trúng thầu, đã có thể hí hửng chèn logo của họ lên website của mình, ai biết đấy là đâu. Giới trẻ giờ có hẳn tiếng lóng cho trường hợp này là *ú fame, kể cũng hài.
Kênh càng nhiều lượt theo dõi, sức mạnh thương hiệu càng cao
Nếu chỉ đo lường rồi xuất báo cáo thể hiện website cùng hệ thống site vệ tinh kéo cả triệu lượt xem mỗi tháng, fanpage Facebook có trăm ngàn lượt theo dõi, YouTube có chục ngàn lượt đăng ký… chưa thể là các chỉ số đủ tổng quan để phản ánh một thương hiệu mạnh, dù rằng chúng ta đồng tình rằng không thể phủ nhận tầm quan trọng của chúng.
Lượng truy cập website lớn có thể là bởi SEO mang lại chứ chưa chắc là do khách hàng nhớ đến thương hiệu và gõ tìm trực tiếp website của công ty, rồi trăm ngàn lượt theo dõi fanpage có nhưng tỷ lệ tương tác chỉ 0, 000 bao nhiêu phần trăm là bởi mua like hay chạy quảng cáo tăng like mà ra chứ đâu phải người dùng thực quan tâm tới thương hiệu. Chẳng biết đâu mà lần.
xây càng nhiều điểm chạm, độ phủ thương hiệu càng lớn
Từ quảng cáo billboard, phát tờ rơi ngã tư, quảng cáo xe bus, thuê roadshow đạp xe diễu hành, treo cờ phướn thân cây rồi cột điện đủ kiểu, xuất hiện trên truyền hình hay radio cho đến mật độ phủ sóng dày đặc trên các kênh internet, chơi game cũng hiện, xem phim cũng hiện, đọc báo cũng hiện, lướt Facebook cũng hiện… tất cả nhằm đảm bảo là ai cũng phải chú ý và nhớ đến.
Đồng ý, tầm ảnh hưởng của các dịch vụ quảng cáo đó là khó thể phủ nhận đối với hiệu quả của một chiến dịch truyền thông thương hiệu. Chẳng phải đó là lý do ra đời hẳn một ngành công nghệ quảng cáo và bùng nổ liên tục vài năm trở lại đây hay sao. Nhưng xét cho cùng, khiến người ta biết và nhớ đến mới chỉ là điều kiện cần, là bề nổi của thương hiệu. Triệu người nhớ mang máng không bằng ngàn người thích thương hiệu, phải không ạ?
Danh mục sản phẩm càng đa dạng, thương hiệu càng lớn
Một công ty kinh doanh nhiều danh mục sản phẩm (không phải nhiều loại sản phẩm trong cùng danh mục) chỉ thể hiện chiến lược đa dạng ngành mà ban giám đốc đã chọn, chưa bàn đến chọn thế là phù hợp hay không nhưng chắc chắn yếu tố này không phản ánh hiện trạng của thương hiệu.
Nếu nói đa dạng vậy nhằm toát lên một thương hiệu có tầm nhìn xa hay sứ mệnh lớn thì còn có lý, nhưng nếu suy công ty kinh doanh thêm một dòng sản phẩm mới đồng nghĩa với giá trị thương hiệu gia tăng thì sai rất sai. Rất cần nhắc lại lần nữa, thương hiệu là sự công nhận từ khách hàng hay người tiêu dùng chứ không phải sự tự phong của ban giám đốc hay phòng marketing của công ty…
Vậy rốt cuộc làm thương hiệu là làm cái gì pa?
Nếu không quảng cáo, không khoe nọ khoe kia thì tóm lại là khoe cái gì để người ta biết tới thương hiệu của mình?.
Ủa, là ai nói chữ không đâu ạ. Sao lại không khoe. Vẫn phải khoe chứ, thậm chí khoe mạnh mẽ, khoe triệt để là đằng khác vì tất cả những điều trên đều là gia vị hảo hạng tôn lên hương vị đặc trưng cho món ăn mang tên thương hiệu mà mọi công ty vẫn đang xào nấu mà.
Chỉ là DuyMarx nghĩ cần bóc tách và phân tích ra như vậy để tránh cái nhìn hạn hẹp, phiến diện rồi kỳ vọng, khẳng định hiện trạng thương hiệu ảo của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Bao nhiêu người sẵn sàng mua và gợi ý người khác mua khi có cơ hội, đó mới là đích, đó mới là định hướng mà một nhà quản trị thương hiệu cần nhìn nhận.
Chia sẻ của Nguyễn Công Duy