Như tôi đã nhiều lần chia sẻ, một sản phẩm có thương hiệu bắt buộc phải đưa ra một lời hứa là nó làm được gì cho khách hàng, và phải bằng cách nào đó truyền thông cho khách hàng hiểu để họ lựa chọn.
Ví dụ, một quán phở phải cho khách hàng biết nó tập trung vào yếu tố lịch sự, vệ sinh hay rẻ, ngon, hay “bao no”. Một thương hiệu ô tô phải nói cho khách hàng biết nó bền bỉ, tiết kiệm xăng hay được trang bị công nghệ cao, hay có động cơ cực khỏe. Một thương hiệu hàng không phải nói cho khách hàng biết nó là hàng không giá rẻ, với các dịch vụ được cắt giảm đến mức tối thiểu, hay là hàng không 5 sao với nhiều dịch vụ sang trọng, đẳng cấp…
Có người bảo, không cần hứa gì mà làm tốt thì vẫn hơn chứ? Không đâu bạn ạ! Không có một sản phẩm nào là tốt toàn diện cả. Bạn luôn phải hy sinh yếu tố này để đổi lấy yếu tố kia. Và thời nay, làm marketing, không thể cứ im lặng làm tốt mà không truyền thông!
Một chiếc ô tô không thể vừa có kích thước nhỏ gọn cho dễ đậu xe và tiết kiệm xăng, lại vừa phải có nội thất rộng rãi và dáng vóc bề thế hoành tráng được. Một lon nước ngọt không thể vừa không đường, không calo cho người ăn kiêng, lại vừa cung cấp nhiều năng lượng cho vận động viên thể thao được! Một quán cơm chay thì không thể có nhiều thịt cá cho người ăn mặn được.
Thương hiệu phải luôn nói rõ là mình tốt chỗ nào, cam kết là mình sẽ đem lại lợi ích gì, cho ai, để người tiêu dùng biết mà cân nhắc lựa chọn.
Khi muốn tán tỉnh một cô gái, chàng trai không thể nói anh tốt toàn diện, hãy tin anh đi, mà phải bằng cách nào đó cho cô gái biết mình có thế mạnh nào, mình làm được gì cho cô ấy (ví dụ, đẹp trai, khỏe mạnh; “nhà mặt phố, bố làm to”; hay “con nhà nghèo, học giỏi”; hay “anh chẳng có gì ngoài trái tim chân thành”…). Cô gái sẽ dựa vào những lới hứa của chàng trai, kiểm chứng, đối chiếu với nhu cầu, sở thích, tính cách của mình để mà quyết định chọn hay không chọn. Một sản phẩm có thương hiệu cũng tương tự như vậy!
Nếu không nói gì, không hứa gì, không cho khách biết mình tốt ở khía cạnh nào, sẽ không ai mua đâu! Và một lần nữa, hứa phải đi kèm với thực hiện lời hứa! Hứa là điều kiện cần; thực hiện trọn vẹn lời hứa là điều kiện đủ. Điều kiện cần tức là phải có, không thể không có!
Đọc bài viết này, hãy thử kiểm tra lại xem thương hiệu của bạn (cả sản phẩm lẫn cá nhân) đã có lời hứa nào chưa? Lời hứa đó có rõ ràng, nhất quán, và đánh trúng “tâm tư” của khách hàng chưa? Nếu chưa có gì, hãy cẩn trọng, vì thương hiệu đó sẽ khó mà lớn được!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu