Mục lục
Các doanh nghiệp cũng “đứng ngồi không yên” khi người nổi tiếng đang là đại sứ truyền thông của họ bị vướng vào sự cố/khủng hoảng truyền thông.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Trước khi xác định nên làm gì, doanh nghiệp cần xác định lỗi thuộc của đại sứ thương hiệu nghiêm trọng đến đâu và lĩnh vực mà lỗi mắc phải thuộc về.
Đó có thể là tính mạng con người (gây tai nạn, giết người), vi phạm pháp luật (buôn lậu, đi xe quá tốc độ), thuần phong mỹ tục (ngoại tình, gây gổ nơi công cộng), lĩnh vực chuyên môn (nghi án đạo nhạc, ứng xử với đồng nghiệp) hay cá nhân (tranh cãi trong gia đình, phát ngôn thiếu chuẩn mực)…
Sau đó, tùy vào tính độ lượng của xã hội vào thời điểm ấy cũng như phản ứng của công chúng với lỗi lầm ấy để ra quyết định.
Ví dụ, đại sứ thương hiệu có thể mắc phải một lỗi lầm bị công chúng lớn tuổi phản đối dữ dội nhưng những khách hàng trẻ tuổi lại không coi đây là việc nghiêm trọng. Vậy thì nhãn hàng hướng tới đối tượng trẻ tuổi sẽ không phải phản ứng thái quá như cắt hợp đồng thương hiệu.
Hoặc nếu khách hàng mua chủ yếu vì giá rẻ hay khuyến mại thì việc im lặng trước scandal không nghiêm trọng và việc tiếp tục giảm giá, làm chương trình khuyến mại vẫn có thể giữ được thị trường.
Tuy nhiên, cũng cần tránh quảng bá trong một vài tuần để không gây ra phản ứng khiêu khích đối với các anti-fan, hoặc xã hội nói chung. Phản ứng của nhãn hàng cũng phụ thuộc vào việc nhãn hàng đang ở giai đoạn xây dựng nhận biết thương hiệu, đẩy mạnh bán hàng hay giữ thị phần, sắp IPO hay không.
Tất cả phụ thuộc vào lỗi mà người nổi tiếng mắc phải là gì và có bị khách hàng, công chúng mục tiêu đánh giá là nghiêm trọng hay không. Với người uống rượu thì một cô gái có ẩu đả hay không không liên quan tới quyết định của họ.
Với khách hàng cuối cùng của Thơ Nguyễn là các em nhỏ, lỗi của youtuber này mắc phải có lẽ không quá nghiêm trọng. Không phải bố mẹ nào cũng biết vụ việc này hoặc coi đây là một lỗi nghiêm trọng có thể hủy hoại con cái họ.
Thế nên tính đi tính lại, vẫn có các thương hiệu chấp nhận nguy cơ để tiếp tục làm việc với người nổi tiếng đang bị vướng vào rắc rối. Ngoài ra, các thương hiệu cũng được cổ vũ hành xử như con người, nhân văn và có trách nhiệm, người ta không bỏ rơi bạn mình trong khó khăn. Một thương hiệu cũng không bỏ rơi đối tác, đại sứ của mình trong khó khăn.
Khi có động thái tẩy chay từ người tiêu dùng, các doanh nghiệp có thể vẫn kiên trì giữ vững quan điểm và tiếp tục sử dụng các hình ảnh quảng cáo đó, nếu như điều xảy ra phù hợp với các giá trị của doanh nghiệp, hoặc hướng đến các giá trị nhân văn, phổ quát như bình đẳng giới, nhân quyền, bảo vệ môi trường, chống lạm dụng… Thậm chí trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp lại dùng nó như một chiêu thức quảng bá hiệu quả.
Một số thương hiệu đã áp dụng thành công ”chiêu thức” này. Chẳng hạn, khi đưa ra sản phẩm dành cho người đồng tính, Adidas gặp một số phản đối, nhưng họ vẫn kiên trì bảo vệ ý tưởng vì cho rằng mình đang bảo vệ một giá trị nhân văn là không phân biệt đối xử giới tính.
California Fitness không bỏ việc sử dụng hình ảnh Hồ Ngọc Hà khi cô vướng scandal tình cảm nhưng vẫn mang lại hình ảnh trẻ trung, sang trọng và khỏe khoắn.
Tổng hợp và chia sẻ của Nguyễn Đình Thành