Mục lục
Đọc xong một cuốn sách không phải điều khó, đọc xong cả trăm nghìn cuốn sách cũng không khó. Hiểu và nắm bắt được những gì sách viết mới là điếu khó. Và tất nhiên, không mấy người làm được điều đó.
Rất nhiều người đọc cả đống sách để rồi quên hết tất cả những gì sách viết. Vậy việc đọc sách có phải trở nên lãng phí thời gian và công sức không? Câu trả lời là không, đó là do chúng ta chưa nắm bắt được cách đọc sách đúng mà thôi.
Zion Kabasawa là tác giả của cuốn sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu”. Chính những cuốn sách đã giúp ông lựa chọn nghề nghiệp trở thành một bác sĩ chuyên khoa thần kinh – tâm lý.
Chính từ tình yêu đọc sách mà ông cũng trở thành một tác giả với năng lực đọc, viết và kinh doanh sách online ghê gớm. Kabasawa đọc 30 cuốn sách/tháng, viết phê bình sách và phim mỗi ngày, xuất bản 3 cuốn mỗi năm chưa kể các hoạt động diễn thuyết và quản lý kênh YouTube hàng trăm ngàn followers.
Trong cuốn sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” của mình, ông chia sẻ 3 cách cơ bản để đọc sách không quên:
Đọc sách phải ôn tập
Theo chia sẻ của bác sỹ, bộ não của con người có thể ghi nhớ tới 14,7 tỷ cuốn sách, tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng lưu lại mọi thông tin mà nó tiếp thu.
Vì vậy, theo tác giả, nên ôn tập lại 3-4 lần trong vòng 10 ngày sau khi đọc. Do não cần phải hiểu rằng thông tin nào đó được sử dụng nhiều lần thì nó mới tiến hành ghi nhận vào thuỳ thái dương (Thuỳ thái dương là nơi ghi nhớ thông tin dài hạn).
Khi ôn tập kiến thức để luyện thi đại học, mình cũng áp dụng phương này với các mốc thời gian ôn tập là : 15 phút; 4 giờ; 1 ngày; 1 tuần và 1 tháng sau khi tiếp nhận thông tin. Cách này giúp ghi nhớ rất lâu và chắc chắn kiến thức.
Tiết kiệm thời gian chứ không giết chết thời gian rảnh
Trong ngữ cảnh dọc để nhớ lâu thì thời gian rảnh cần hiểu là đọc để tiết kiệm thời gian ( tạo áp lực thời gian) chứ không phải là để giết chết thời gian. Khi có áp lực thời gian, người ta thường nâng mức tập trung lên cao, đặc biệt là trong 5 phút đầu và cuối khoảng thời gian đọc.
Đọc sâu – không đọc nhanh
Nếu bạn nói rằng mình đã đọc một cuốn sách 500 trang chỉ trong 2h nhưng vẫn ghi nhận một lượng tương đối các kiến thức của nó và sau đó áp dụng vào thực tế cuộc sống của bản thân thì chắc chắn bạn là một người rất uyên bác, sở hữu khối lượng kiến thức nền rất khổng lồ và vững chắc.
Nhưng nếu bạn đọc được như vậy mà chẳng nhớ hay hiểu gì về điều cuốn sách đề cập thì việc đọc nhanh chẳng hề có tác dụng gì.
Vì vậy, đọc sâu, chậm và chắc sẽ tốt hơn đọc nhanh mà không nhớ gì. Nguyên tắc của Kabasawa là nếu sau khi đọc bạn có thể tranh luận về nội dung cuốn sách thì bạn đã đọc đủ sâu rồi. Nếu bạn nhớ mang máng hoặc lẫn lộn thông tin giữa các chương thì cần lặp lại nguyên tắc số 1 để củng cố lại nhé.
Đi đôi với những nguyên tắc cơ bản để đọc sách không quên là những bài tập thực hành các nguyên tắc rất dễ dàng thực hiện, như: highlight, viết review, đọc sách cộng đồng,… Trong cuốn sách, tác giả cũng chia sẻ những kỹ thuật đọc sách cần biết, và các kỹ năng chọn sách và đánh giá sách…
Để việc đọc sách đạt hiệu quả tốt nhất, chúng ta cần có phương pháp khoa học và đúng đắn nhất. Phương pháp này được tác giả Zion Kabasawa trình bày vô cùng dễ hiểu và chi tiết trong cuốn “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu”. Đây thực sự là một trong những cuốn sách kỹ năng thú vị, đặc biệt cho người đọc cảm giác tự tin và muốn đọc sách.
Chia sẻ của Phương Thảo Trịnh