Lãnh Đạo & Văn Hoá Doanh Nghiệp – Edgar H.Schein & Peter Schein. Hỡi các vị lãnh đạo tài năng của tôi!
Nếu bạn đang băn khoăn câu hỏi làm thế nào để “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp” thì hãy cùng tôi đọc cuốn sách đáng quý này về “Lãnh đạo & Văn hoá doanh nghiệp”.
Ở lần tái bản thứ 5, Edgar sẽ mang đến những quan điểm táo bạo, giúp các nhà lãnh đạo có cái nhìn tổng quát và áp dụng chuẩn xác các lý thuyết cũng như mô hình của ông cùng con trai Peter, người đã có hơn 25 năm làm việc tại rất nhiều công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon.
Như các bạn đã biết, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, xây dựng “văn hoá doanh nghiệp” là việc cực kỳ quan trọng! Khi xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của công nghệ đã mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc, làm việc và trao đổi với các thành viên thuộc nhiều vùng miền, quốc gia, nhiều sắc tộc.
Vậy thì làm sao để chúng ta giao lưu, có thể chấp nhận và cảm thông cho nhau trong công việc, khi giờ đây dịch bệnh ta chỉ có thể gặp nhau qua màn hình máy tính?
Chính vì rào cản về văn hoá và khoảng cách nên các nhà lãnh đạo phải hiểu được tầm quan trọng của việc đặt nền móng “xây dựng văn hoá doanh nghiệp”.
“Định nghĩa văn hoá và cấu trúc văn hoá”
Mỗi quốc gia, đất nước đều sinh ra và tạo nên từ một nền “văn hóa” riêng biệt.
Giống như hơi thở, “văn hoá” có sức lan tỏa sâu rộng đến mỗi chúng ta. Nó mang lại cho chúng ta cảm giác ổn định và bản sắc, xác định những gì chúng ta tin là “đúng”. Những điều đó định hình cách chúng ta nhìn nhận hoặc phản ứng với các sự kiện, sự việc.
Nó rất mạnh mẽ vì nó ảnh hưởng đến chúng ta mà chúng ta không nhận thức được. Bằng cách nhìn thế giới qua lăng kính văn hóa, chúng ta có thể bắt đầu hiểu bản thân, kinh nghiệm xã hội của mình và cách tương tác hiệu quả hơn với người khác.
Edgar và Peter đã chia văn hoá làm ba cấp độ để bạn có thể phân tích văn hóa của bất cứ doanh nghiệp nào:
- Cấp độ 1: Văn hoá được thể hiện qua những di sản và cấu trúc hữu hình (Những cấu trúc và quy trình có thể cảm nhận và nhìn thấy, các hành vi quan sát được).
- Cấp độ 2: Văn hoá được thể hiện qua hệ thống giá trị, niềm tin và tiêu chuẩn hành vi được đồng thuận (Lý tưởng, mục tiêu, giá trị và khát vọng).
- Cấp độ 3: Văn hoá được thể hiện qua các quan niệm nền tảng ngầm ẩn (Những giá trị niềm tin được xem là hiển nhiên và được thực hiện theo vô thức)
Từ những điều trên, Edgar & Peter muốn “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt các di sản có thể quan sát và cảm nhận với hệ thống giá trị, niềm tin và tiêu chuẩn hành vi được đồng thuận và các quan niệm nền tảng – thứ thực sự định hướng các hành vi được biểu hiện ra bên ngoài.” điều tạo ra văn hoá của doanh nghiệp.
Tiếp theo, các nhà lãnh đạo cần biết gì về văn hoá vĩ mô?
Văn hoá của các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng từ các nền “văn hóa vĩ mô”, như nền văn hóa của quốc gia nơi mỗi người sống, làm việc và hoạt động hay thậm chí, nó cũng bị ảnh hưởng bởi văn hoá của những lĩnh vực nền tảng, thứ cấu thành nên sản phẩm và dịch vụ của họ.
Càng phát triển, tổ chức sẽ càng gặp phải nhiều vấn đề từ sự biến đổi của môi trường bên ngoài và sự đa dạng của các tiểu văn hóa bên trong.
Nhà lãnh đạo cần làm gì để kết nối các thành viên của mình sâu sắc hơn, giúp họ và cả chính mình có tư duy cởi mở hơn để tiếp nhận các nền văn hóa khác nhau?
Trong bối cảnh đó, “vai trò của nhà lãnh đạo qua các giai đoạn phát triển”cũng phải thay đổi để tạo nên “văn hoá” phù hợp.
Các yếu tố của môi trường bên ngoài và sự đa dạng của các tiểu văn hóa bên trong có thể khiến hệ thống niềm tin, giá trị và những quan niệm nền tảng ban đầu không còn phù hợp.
Vì thế đòi hỏi nhà lãnh đạo phải xác định rõ vấn đề, đánh giá các yếu tố của nền văn hóa hiện tại, song song với đó là “chia sẻ những niềm tin, giá trị, quan niệm và quy tắc về hành vi của mình đến với cấp dưới. Nếu tổ chức thành công, những giá trị ấy sẽ được tán dương và nền văn hoá mới sẽ ra đời.”
Sau khi đã hiểu và chứng tỏ vai trò của mình trong các giai đoạn phát triển của tổ chức các nhà lãnh đạo có thể đánh giá, định hướng sự phát triển, lên chiến lược thay đổi văn hoá, cuối cùng là thẩm định các yếu tố của nền văn hóa để xem nó ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực lên các thành viên trong doanh nghiệp.
Khi đã vượt qua được giai đoạn bất an về mặt tâm lý và ổn định được thì lúc này “văn hóa doanh nghiệp” giống như một khuôn mẫu được chia sẻ trong một cộng đồng để giải quyết các vấn đề về thích ứng bên ngoài và hội nhập bên trong cho các thành viên mới để thiết lập nhận thức ngay từ đầu.
Nhưng thế giới sẽ không ngừng thay đổi, phức tạp hơn, nhanh hơn. Và với nhiều nền văn hóa hơn, việc cải thiện “văn hoá doanh nghiệp” sẽ luôn phải cập nhật. Điều đó có nghĩa là, các tổ chức, các nhà lãnh đạo và tất cả chúng ta sẽ phải không ngừng học hỏi để phát triển và thay đổi.
Cuối cùng điều mà Edgar & Peter muốn gửi gắm đến các nhà lãnh đạo khi bạn muốn “xây dựng nền văn hoá” của riêng mình: Trước tiên hãy “thấu hiểu bản thân” nghĩa là “thấu hiểu nền văn hoá bên trong mình”.
Vì “mọi người đều có những suy nghĩ, quan niệm và thành kiến hoàn toàn khác nhau về những điều họ coi trọng. Những giá trị mà mọi người quan tâm đều rất đa dạng và tất cả đều thuộc về nền văn hoá bên trong chính họ.” Khi bạn hiểu văn hoá bên trong mình, bạn sẽ học được cách dung hoà với các nền văn hoá khác!
Hãy đọc thêm về “Lãnh đạo và Văn hóa doanh nghiệp” để tìm ra nền văn hoá của chính mình và cách xây dựng cho tổ chức của mình một nền văn hóa vừa ổn định, vững chắc, vừa linh hoạt, có thể ứng phó kịp thời với những biến đổi của thị trường.
Chia sẻ của Nguyễn My