Ai cũng có thể bị sang chấn tâm lý, kể cả tôi, bạn, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn,…Sang chấn không chỉ để lại những dấu vết trong tâm hồn, cảm xúc của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến cả cơ thể, hệ thống miễn dịch.
Đó là lời những câu đầu tiên trong phần mở đầu của cuốn sách SANG CHẤN TÂM LÝ – HIỂU ĐỂ CHỮA LÀNH.
Với tôi, đây là một quyển sách không dễ đọc. Để đọc được nó ta phải đọc chậm rãi, dùng nhiều thời gian để suy ngẫm về những gì mình vừa đọc mới có thể thấu hiểu được hết.
Bệnh tâm lý và những nỗi đau nó gây ra không giống như bệnh tim, bệnh đau đầu, cảm cúm hay một cơn sốt. Nó dày vò trong tâm trí chúng ta, khiến ta kiệt quệ và đau đớn theo cái cách người khác không thể nào hiểu nổi.
Những người lính sau khi trở về từ chiến trường vẫn giật bắn mình lên khi nghe thấy một âm thanh lạ, những đứa trẻ bị lạm dụng hay bỏ bê thường mất nhận thức về giá trị của bản thân, một người sống sót trở về từ một vụ tai nạn xe cộ kinh hoàng bỗng nhiên tê liệt mọi phản ứng trước những sự việc nguy hiểm.
Nỗi đau từ sang chấn tâm lý thì muôn hình vạn trạng và nó để lại những hậu quả phức tạp lên não bộ, cách mà con người ta phản ứng với các tác nhân xung quanh và khiến họ tìm đến một hay nhiều biện pháp cực đoan để giải tỏa nỗi đau của mình như chất hướng thần, tự làm đau bản thân,…
Cuốn sách là tổng hợp của những kiến thức y khoa đồ sộ của tiến sĩ Bessel Van Der Kolk, nhằm cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về sang chấn tâm lý, những nguyên nhân, tác hại của nó lên người bệnh và người thân xung quanh đồng thời giới thiệu đến chúng ta các con đường để chữa lành những thương tổn do sang chấn tâm lý.
Cuốn sách gồm có 5 phần tất cả. Ở đây, tôi sẽ giới thiệu sơ khai về phần I của cuốn sách với tiêu đề là Tái khám phá sang chấn. Chương đầu tiên, tác giả nói về những người cựu chiến binh trở về Mỹ sau thời gian tham chiến tại Việt Nam, những gì tội ác chiến tranh gây ra không chỉ cho những nạn nhân của nó gánh chịu mà ngay cả những người đã gây ra những tội ác đó cũng không thể vượt qua nổi bóng đen quá khứ như thế nào.
Chương tiếp theo, chúng ta sẽ được giới thiệu về cuộc cách mạng thấu hiểu tâm trí và não bộ. đối với cơ thể của một người bình thường thì khi chúng ta bị đe dọa, cơ thể sẽ tiết ra mức độ stress nhất định để khiến chúng ta phản hồi lại rất nhanh, và sau đó sẽ trở lại vị trí cân bằng.
Tuy nhiên đối với người bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) thì hệ thống này bị rối loạn và liên tục sản sinh ra stress dù tác nhân đã không còn nữa.
Cuối cùng trong phần I, chương số 3, chúng ta được giới thiệu về bộ não của một người phụ nữ gặp sang chấn tâm lý nghiệm trọng tên là Marsha. Người ta vừa chụp não bộ của cô vừa để cô nghe lại câu chuyện về tai nạn đã khiến mình gặp phải sang chấn.
Người ta phát hiện ra rằng vùng limbic hay còn gọi là não cảm xúc của cô bị kích hoạt mạnh nhất, nhưng một vùng khác thì lại bị bất hoạt đó là vùng Broca. Vùng này quản lý ngôn ngữ của não bộ, điều đó lý giải cho việc nhiều nạn nhân của các vụ tấn công và tai nạn…lại bị “mất ngôn ngữ” hay không muốn nói chuyện…
Nội dung của cuốn sách rất dài và chứa đựng thông tin đồ sộ nên tôi cũng cảm thấy khá khó khăn trong việc nắm bắt và truyền tải được hết cái tinh thần mà tác giả muốn đem đến cho người đọc.
Tuy nhiên, tôi, với tư cách là một người cũng đang vật lộn với các tổn thương tâm lý thì tôi nghĩ rằng thấu hiểu về sang chấn tâm lý cũng là một cách để thấu hiểu về bản thân và đem đến cho mình liều thuốc chữa lành.
Tôi rất rất cần sự chia sẻ về cảm nhận của các bạn khi bạn đọc cuốn sách này. Bạn nghĩ sao về cuốn sách được mệnh danh là CUỐN SÁCH VỀ TÂM LÝ HỌC BÁN CHẠY NHẤT TRÊN AMAZON này? Cùng chia sẻ ý kiến với mình nhé!
Chia sẻ của JoJo Phạm