Dựa trên cách mọi người phản ứng với những kỳ vọng bên trong (do chính chúng ta tác động lên bản thân) và kỳ vọng bên ngoài (do người khác tác động lên chúng ta). Tác giả đã quan sát và “tạm chia” mọi người thành 4 nhóm có khuynh hướng khác nhau.
Nhóm “Người ủng hộ”: đây là những người đáp ứng được cả kỳ vọng bên trong lẫn bên ngoài, có nghĩa là họ không bao giờ để người khác hoặc chính bản thân họ thất vọng. “Người ủng hộ” luôn để ý đến lịch trình, danh sách việc cần làm và hiểu rõ những gì bản thân mong đợi.
Họ tìm thấy sự hài lòng và thoải mái tuyệt đối khi tuân theo các quy tắc. Phương châm của những “Người ủng hộ” chính là kỷ luật mang lại tự do. Vì có khả năng đáp ứng tốt những kỳ vọng bên ngoài nên “Người ủng hộ” thường dễ dàng nhận được sự tín nhiệm của mọi người xung quanh.
Đặc biệt, họ có thể tự thân vận động để hoàn thành nhiệm vụ, không cần cầm tay chỉ việc như những người khác. Tuy nhiên, vì sống quá nguyên tắc nên “Người ủng hộ” thường khá khó tính, bảo thủ, ít có khả năng chấp nhận sự thay đổi, dù là thay đổi theo hướng tích cực. Họ sẽ gặp khó khăn nếu công việc có sự thay đổi hoặc quy trình chung bị đảo lộn.
Nhóm “Người chất vấn”: đây là những người đáp ứng được những kỳ vọng bên trong nhưng lại hay thắc mắc và đấu tranh với những kỳ vọng bên ngoài. Đơn giản là họ chỉ làm điều gì đó khi bản thân cảm thấy nó có ý nghĩa. “Tôi sẵn sàng giúp đỡ, nhưng bạn phải thuyết phục tôi tại sao điều đó lại xứng đáng với thời gian, công sức mà tôi bỏ ra!” – Đây chính là thái độ điển hình của “Người chất vấn”.
Có thể “Người chất vấn” sẽ khiến cấp trên và đồng nghiệp mệt mỏi, nhưng bản chất hay hỏi lại vô tình khiến họ trở nên có giá trị. Vì có tính hoài nghi nên họ rất giỏi phát hiện vấn đề cũng như biết cách cải thiện một thủ tục, một quy trình theo hướng tốt hơn, từ đó trở thành “người phù hợp hoàn hảo” trong một tổ chức luôn muốn đổi mới và dẫn đầu.
Tuy nhiên, “Người chất vấn” rất dễ gặp rắc rối. Cấp trên thường coi việc chất vấn của nhân viên là một hành động thiếu phối hợp, đồng nghiệp coi họ như một kẻ thích phán xét, tra hỏi. Hơn nữa, những câu hỏi có thể đi vào ngõ cụt và làm phát sinh nhiều vấn đề mới.
Nhóm “Người trách nhiệm”: đây là những người có khả năng đáp ứng được kỳ vọng bên ngoài dễ dàng nhưng phải đấu tranh, vật lộn với chính mình để đạt được kỳ vọng bên trong.
Họ có thể cảm thấy bình thường khi cấp trên yêu cầu làm thêm giờ nhưng lại cảm thấy khó chịu khi bản thân muốn xin nghỉ phép – Đây chính là những biểu hiện của “Người trách nhiệm”. Để khắc phục sự mất cân bằng này, họ phải chuyển những kỳ vọng bên trong thành những kỳ vọng bên ngoài.
Họ thường được khuyên nên “ích kỷ hơn”, và bản thân họ cũng cảm thấy dằn vặt khi phải chuyển hoá sự kỳ vọng nếu muốn đáp ứng nhu cầu của mình. Theo một nghiên cứu thì có hơn 2/3 số “Người trách nhiệm” cho biết họ cảm thấy thất vọng vì không thể dành thời gian cho bản thân. Đặc biệt, những người xung quanh nếu không hiểu họ thì sẽ thường coi họ là những người “bao đồng”, “việc thì nhà nhác, việc chú bác thì siêng”,…
Nhóm “Người chống đối”: họ thường chống lại cả kỳ vọng bên trong lẫn bên ngoài. “Bạn không phải là tôi”, “Bạn không thể sống cuộc đời của tôi” và “Tôi không thể làm được” – đó là những lý luận của “Người chống đối”. Họ không chỉ chống đối những kỳ vọng bên ngoài mà họ còn chống những kỳ vọng của chính mình.
“Người chống đối” thường chiếm số lượng nhỏ nhất trong 4 nhóm khuynh hướng. Họ đề cao tính cá nhân và luôn muốn làm mọi thứ để phản ánh cái tôi độc đáo của mình. Vì vậy, bất cứ thứ gì có thể được coi là kỳ vọng đều bị họ từ chối. Mặc dù vậy, “Người chống đối” vẫn sẵn sàng làm việc chăm chỉ. Vấn đề là bạn phải cho họ cảm giác họ mới là người đưa ra quyết định.
Thật ra thì không có khuynh hướng nào tốt hơn khuynh hướng nào, vì mỗi nhóm đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Việc hiểu rõ 4 nhóm người này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc để hiểu chính bản thân mình, đồng thời hiểu được những người xung quanh. Đây là nền tảng để mỗi người trong chúng ta làm việc hiệu quả và sống hạnh phúc hơn.
Chía sẻ của Nguyễn Tùng