Mục lục
Ai cũng từng mang trong mình cảm xúc tiêu cực. Nhưng nếu bạn không xử lý và “dọn dẹp sạch sẽ” chúng, lâu ngày thứ cảm xúc ấy sẽ tích tụ giống như u nhọt trong đầu óc, trở thành nỗi ám ảnh, đeo bám như bóng ma, cản trở chúng ta bước ra đón nhận ánh sáng.
Hãy thử nghĩ xem những thứ cảm xúc tiêu cực của bạn đến từ đâu? Là: Mặc cảm vì ngoại hình? Thua kém về năng lực? Lo sợ bị bỏ rơi? Hay những ám ảnh trong quá khứ?
Chắc chắn, nhiều người đã chọn cách phớt lờ, cố tình quên đi, mong mỏi thời gian sẽ chữa lành những tổn thương. Nhưng thời gian không phải liều thuốc tốt nhất.
Và, ngược lại nếu bạn đủ can đảm đối diện, trực tiếp nhổ đi cái u nhọt, bản thân bạn không những dễ chịu hơn rất nhiều, cuộc sống cũng không còn có thể làm khó một con người lì lợm và gan góc như bạn.
Tôi sẽ lấy ví dụ về việc học tiếng anh, một chứng ám ảnh của những người cho rằng mình không thể học được ngoại ngữ.
Chấp nhận thay vì tảng lờ nó
Một điều kì lạ rằng, một vài bạn trẻ khi gặp người ngoại quốc ở đất nước mình, một là né tránh, hai là xin lỗi vì bản thân không nói được tiếng anh. Tại sao chúng ta phải xin lỗi, đỏ mặt tía tai khi không nói được câu tiếng anh nào? Họ cũng đâu nói được tiếng Việt.
Hãy dạy cho bộ não của bạn biết rằng, nó phải “đối diện” chứ không phải cứ mãi “trốn chạy”. Nếu sợ thì hãy học đi còn nếu không cũng hãy tự tin cười thật tươi và nói tôi không biết tiếng anh.
Xác định rõ vấn đề
Khi sống trong cảm xúc tiêu cực, có phải bạn luôn cảm thấy tất cả mọi thứ đang nhắm vào mình, mọi điều tồi tệ cùng đến một lúc. Nhưng thực ra bạn đang bị cảm xúc chi phối và cảm giác đánh lừa.
Chẳng hạn, khi nhà trường/ công ty tổ chức một sự kiện liên quan đến công nghệ, nhưng bạn lại không được lựa chọn tham gia, bạn sẽ nghĩ tới việc do mình không có quan hệ tốt, tiếng anh cũng rất tệ, mặt mũi cũng không ưa nhìn,… nhưng bạn lại không nhìn nhận vào việc công nghệ không phải là thế mạnh của bản thân.
Hãy xác định rõ vấn đề của bạn là gì để giải quyết nó, đừng “dây mơ rễ má” sang vấn đề không liên quan để đánh đồng tất cả mọi thứ và cuối cùng không thu lại gì.
Kiểm soát cảm xúc
Thứ nhất, oán trách không mang lại bất cứ lợi ích gì trong xã giao, ngược lai chính là tự đào hố chôn mình. Thứ hai, quyết định khi mất bình tĩnh luôn làm bạn phải hối hận.
Cảm xúc không phải là thứ dễ kiểm soát hay cân bằng, đặc biệt khi bạn lại là một người nhạy cảm. Nhưng chính bạn sẽ phải tự học cách kiểm soát nó.
Hãy ngồi xuống, tập trung vào hơi thở, lùi lại và quan sát những cảm xúc đang ngự trị trong tâm trí. Khi một tên trộm phát hiện có người đang theo dõi mình, hắn sẽ bỏ trốn. Những cảm xúc tiêu cực cũng vậy, chúng đột nhập vào “nhà” bạn mà không có sự cho phép. Khi bạn quan sát, chúng sẽ biến mất.
Ám ảnh xã hội, cuốn sách đã giúp tôi đối diện với những sợ hãi và sự thực trần trụi trong xã hội. Sau tất cả, quá trình trưởng thành giúp tôi nhận ra, không phải nỗi đau nào đau hơn nỗi đau nào, mà là bản thân đã trở nên mạnh mẽ.
Chia sẻ của Thùy Chi