Mục lục
Những gì bạn viết thể hiện những gì bạn nghĩ. Do đó, nếu muốn viết không khuyên nhủ, áp đặt, phán xét thì cũng nên cần tìm cách để cải thiện những sự tiêu cực này ở mình. Khi đó, viết từ việc đang ý thức cải thiện, từ những bài học mà bản thân chiêm nghiệm ra được về việc lắng nghe, chấp nhận người khác cũng sẽ giúp chúng ta bớt sa đà vào việc áp đặt.
Mình ví dụ, nếu bản thân bạn là một người thường xuyên giữ vững quan điểm rằng khen thưởng là chiều hư trẻ, bạn sẽ không thể viết theo kiểu “nước đôi” rằng khen cũng được mà khắc nghiệt với con cái cũng được. Bạn tất nhiên sẽ vẫn thể hiện quan điểm đó trong các bài viết và khuyên các bậc bố mẹ khác rằng đừng nên khen thưởng trẻ.
Thực tế thì việc đưa ra các lời khuyên không có gì là xấu cả. Chúng ta chia sẻ lại những bài học, những cuộc đời của mình để giúp cho những người khác nữa thì cũng chẳng có gì sai. Có chăng, cái sự sai để dẫn đến việc khiến nhiều người dễ bị hiểu nhầm đó là thái độ của chúng ta khi đưa ra lời khuyên.
Nếu chúng ta mong cầu người đọc phải ngay lập tức thay đổi theo ý mình, còn làm ngược lại thì ta sẽ chỉ trích, phán xét thì đó là một lời khuyên thiển cận. Nhưng nếu đưa ra lời khuyên, câu chuyện theo hướng chỉ chia sẻ, rằng đó là quan điểm của tôi, bạn có quyền nghe hoặc không, dù sao cũng không ảnh hưởng đến mối quan hệ thì sẽ khác.
Khi đó, lời khuyên sẽ trở nên nhẹ nhàng, không có tính răn đe và dễ khiến người đọc cảm thấy đồng cảm hơn. Hoặc nếu người đọc không đồng tình với bạn, họ cũng không thích gây chiến tranh vì rõ ràng quan điểm của bạn là “đó đơn giản chỉ là những suy nghĩ của tôi, bạn có quyền nghe hoặc không”.
Ngoài ra, với việc thường xuyên viết những bài đưa ra lời khuyên, thông điệp mà không đến mức áp đặt, quá gay gắt thì đây là những điều mình thường làm (và nghĩ).
Soi xét sự việc đa chiều
Trong các bài viết đưa ra quan điểm, mình thường nhìn nhận cả hai mặt tốt – xấu của một sự việc. Đương nhiên nếu mặt nào dùng để phục vụ cho bài viết (thường là mặt xấu) thì sẽ được kể ra nhiều hơn.
Mình sẽ viết về những cái xấu nhưng tất nhiên cũng sẽ điểm thêm một vài cái tốt nữa. Để người đọc có thể ngầm hiểu rằng, người viết ít nhất cũng đã có sự soi xét đa chiều chứ không phải là chỉ nhìn phiến diện vào một mặt tốt.
Ví dụ ngắn gọn như khi có một người tìm đến mình để tìm lời khuyên, mình sẽ ít khi đưa ra lời khuyên ngay. Mình sẽ hỏi họ để khám phá ra các mặt tốt, những mặt tích cực từ sự việc của họ thay vì họ chỉ nhìn thấy một màu u tối.
Mình cũng sẽ đặt những câu hỏi về cả quá khứ, về những vết nứt đầu tiên mà họ bỏ qua… Cuối cùng, khi xâu chuỗi lại, mình sẽ có những chất liệu đa chiều hơn để có thể phân tích.
Lý luận, phân tích một cách khách quan
Bạn cần phải biết để đóng vai là người thứ 3 khi viết, chứ không phải là đặt cảm xúc tiêu cực, phán xét của bạn vào bài viết. Ví dụ bản thân mình, khi ghét một ai hoặc cảm thấy khó chịu về một sự việc nào đó, nếu không đặt mình ở ngôi thứ 3, chắc chắn mình sẽ sa đà vào việc chỉ trích cái đối tượng được nói đến ấy.
Nhưng mình chọn ngôi thứ 3 – là một người đứng nghe cả hai người, cả mình và cả đối tượng kia phân trần và đối thoại, đưa ra những lý lẽ riêng.
Cái ngôi thứ 3 ấy chỉ vốn là tưởng tượng thôi, nhưng nó giúp mình đứng tách ra khỏi những cảm xúc quá cá nhân, quá tiêu cực. Và cũng cho phép mình được lắng nghe cái nguyên do và nhu cầu thực sự của đối tượng được viết ra trong bài. Những câu chữ viết từ ngôi thứ 3 ấy để cân bằng giữa cá nhân mình và cái đối tượng kia sẽ mang đến sự khách quan, không còn quá nặng nề nữa.
Ngoài ra, tự bản thân bạn cũng phải luôn có một quan điểm sống thấu đáo rằng sự việc nào cũng có đúng – sai. Không có cái gì là đúng hoàn toàn, cũng chẳng có cái nào là sai hoàn toàn cả. Và những cảm giác ghét bỏ, phán xét người khác thực chất chỉ là dành cho hành động của họ thôi chứ hoàn toàn không phải là dành cho toàn bộ con người họ.
Bất cứ khi nào cảm thấy mình quá sa đà áp đặt, hãy dừng lại
Đây là sự tỉnh thức trong quá trình viết. Chúng ta khi viết một cách tự nhiên, để tất cả những suy nghĩ của mình chảy tràn ra giấy sẽ khiến cho cái bản năng thích chỉ trích, phán xét, điều khiển người khác cũng được dịp bung xõa.
Nhưng chúng ta cần có sự tỉnh táo để biết cái bản năng đó liệu có đang đi quá giới hạn hay không? Hay tự hỏi nếu đặt mình vào vai trò người đọc thì sao, mình sẽ cảm thấy thế nào? Nếu đối tượng mình nhắc đến trong bài mà đọc thì sao, họ có phẫn nộ không?…
Những câu trả lời sẽ giúp bạn có cái nhìn xác đáng hơn về những gì mình đang viết. Nếu câu trả lời là không, hãy tiếp tục viết. Còn nếu câu trả lời là có, hãy dừng lại một nhịp, suy nghĩ kỹ hơn và sẵn sàng bỏ đi phần mình vừa viết để viết lại.
Với những người mới tập viết thì việc viết lại rất phí sức và khó khăn, nhưng hãy nhớ là thà viết được ít còn hơn là viết nhiều mà mình thích còn hơn là viết nhiều mà mình sợ.
Hãy hiểu rằng lời khuyên cũng chẳng có gì là xấu cả
Mình chợt nhận ra điều này khi nhớ lại cuộc phỏng vấn với một người chị. Mình đã hỏi chị ấy rằng liệu có cảm giác khó chịu, bất mãn không với những lời khuyên từ bạn bè, từ bố mẹ về chuyện ly hôn.
Nhưng chị ấy nói: “Không, mọi người đều muốn tốt cho mình nên mới nói thế. Còn việc chọn nghe hay không lại là ở mình”. Mình vỡ ra và hiểu rằng những lời khuyên mà vì mong cầu tốt cho người khác thì chẳng có gì phải sợ, ngay cả khi nó sai, không phù hợp đi nữa.
Tất nhiên là bạn cũng sẽ không thể nhân danh vì người khác để viết ra những lời khuyên trong khi thực lòng không phải vậy. Còn một khi đã viết lời khuyên bằng sự chân thành thì cũng đừng sợ những sự phán xét nếu có nhận lại được. Hãy chấp nhận rằng không phải ai cũng hiểu bạn, biết bạn nghĩ gì. Mình bạn biết điều đó là được rồi.
Cuối cùng, mình chỉ muốn nói rằng ở giai đoạn đầu khi viết, chúng ta sẽ thường sa đà vào việc đưa ra những lời khuyên vì muốn thể hiện cái tôi, cái quan điểm nung nấu trong bản thân mình. Hãy cứ chấp nhận giai đoạn này.
Nhưng càng viết, chúng ta càng trưởng thành hơn, trải qua nhiều lần rút kinh nghiệm (mà có thể là từ những bình luận tiêu cực), chúng ta sẽ dần biết tiết chế cái tôi lại. Chúng ta cũng dần hiểu sâu về mình và biết rằng những lời khuyên nào là chỉ muốn tốt cho người khác, hoặc những bài viết nào chỉ muốn được chia sẻ, hoặc những bài nào là quá tiêu cực…
Vậy nên mình mới nói rằng, chúng ta lớn lên qua quá trình chúng ta viết là như vậy. Có khi viết 1-2 tháng, ta sẽ không thấy là mình lớn lên như thế nào. Nhưng nếu viết đều đặn và so sánh những bài viết của mình ở hiện tại và sau 6 tháng – 1 năm, bạn sẽ thấy sự khác biệt, sự trưởng thành rõ ràng trong suy nghĩ. Đương nhiên một trong số đó là bạn sẽ có cái nhìn thấu đáo, khách quan hơn khi viết.
Cảm ơn bạn vì đã đọc bài viết.
Chia sẻ của Lá Xanh