Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Khéo mở, ta như người nông dân dò trúng mạch nước ngầm, ý và lời theo thế mà tuôn, lắm khi không cách nào ngăn lại được. Vào vụng, viết chưa được nửa đoạn đã không biết triển khai tiếp như thế nào.
Sợ nhất là cảnh mất hứng. Sáng chín giờ ngồi vào bàn làm việc hí hửng bao nhiêu, đồng hồ chưa điểm mười rưỡi đã chán chẳng buồn viết nữa. Bao nhiêu nơ ron thần kinh đều đã huy động hết rồi, trí lực lúc đó chỉ cố vét nốt chút năng lượng còn sót lại hòng tìm cách thoát ra khỏi cảnh khốn cùng này chứ đầu óc đâu mà nghĩ tới việc chuốt lại cho lời hay ý đẹp.
Tôi đang muốn nói tới tầm quan trọng của mở bài trong viết. Thật vậy nếu tới hết 200 từ rồi mà bạn với độc giả (hoặc khách hàng) của mình không gây được sợi dây liên kết với nhau thì cũng đừng nên buồn nếu bài viết đó chỉ có lèo tèo vài tương tác.
Không có quy tắc bất di bất dịch nào để bắt đầu một bài content marketing hay copywriting hết. Tuỳ đề tài cũng có. Tuỳ bút pháp của mỗi người nữa. Một câu chuyện đời thường mà đoạn mở gồng lên sặc mùi triết học thì cả bài sẽ hoá đầu voi đuôi chuột.
Lắm lúc cũng tuỳ bối cảnh khi viết mà ta quyết định vào thẳng bài luôn hoặc chọn dẫn dụ người đọc một chút cho quen với những gì mình sắp đề ra. Với những thông tin về đại dịch mang tính thời sự mà bạn cứ ung dung một cách rề rà thì tự hỏi ai mà kiên nhẫn cho nổi.
Tuy vậy vẫn có một vài đúc kết được trình bày dưới đây tôi cho là quý báu, đỡ cho những ai chân ướt chân ráo vào nghề, nay ta tránh phải nhọc công vụng về dò dẫm.
Thứ nhất. Đi từ cái chung ra cái riêng
Tức là dùng một chân lý phổ quát bao hàm cả vấn đề, rồi móc nối sợi dây liên kết giữa cái tổng thể với cái bộ phận để chuyển vào ý chính mà người viết muốn trình bày.
“Con chiên nhờ ăn cỏ mà được bộ lông mướt đẹp… ta hãy dùng lông nó, không cần phải để ý nó ăn cỏ nơi đâu?
Cây cối sởn-sơ bông trái, ta hãy ăn trái ngắm hoa, đừng để ý hỏi ngọn suối nơi đâu đã thấm nhuần nuôi nấng nó.
Đọc quyển sách này, các bạn cũng không cần phải để ý đến những lý thuyết tư tưởng nào đã giúp nó đơm hoa kết quả…” (Nguồn: Nguyễn Duy Cần – Một Nghệ Thuật Sống)
Ưu điểm của cách mở bài này dễ khiến cho người đọc mê mẩn vẻ tài hoa của người viết. Học cao hiểu rộng mới biết nhiều chân lý mà. Tuy vậy điểm mạnh nếu không khéo dùng lại hoá yếu điểm phản tác dụng, nói đạo lý suông.
Cho nên khi dùng lối này bạn cũng nên lướt qua một số checklists như: Cái toàn thể có đang bao trùm vấn đề mình định nói không? Mình đang viết quá nhiều lớp lang để dẫn nhập vào đề không? Phải biết tự giới hạn chính mình. Còn để người đời nhận xét, tư tưởng thì mới đó, nhưng người viết e vẫn còn chưa tiêu hoá được, ấy lại là dở.
Thứ 2. Dẫn lời một người ảnh hưởng (KOLs, danh nhân, hiền nhân…)
Thứ 3. Hoặc bạn cũng có thể trích dẫn một đoạn trong cuốn sách hay hoặc một đoạn hội thoại trong bộ phim hấp dẫn
Thành công của Starbucks là bằng chứng sống cho thấy một công ty có thể vận hành bằng đam mê và phát triển các giá trị tinh thần mà vẫn thu được lợi nhuận. Một công ty có thể mang lại giá trị dài hạn cho các cổ đông mà không cần hy sinh phương châm đối xử với nhân viên bằng tấm lòng trân trọng. Chúng tôi có đội ngũ lãnh đạo tin rằng đó chính là con đường tốt nhất trong kinh doanh” (Howard Schultz). Có founder cho rằng đam mê và lý tưởng là viển vông… (Nguồn: Facebook Thầy Nguyễn Đức Sơn)
Thứ 4. Đơn giản hơn là từ những bài viết có tương tác cao (đã có sẵn độ nhận biết) mà phù hợp với ý tưởng của bạn. Nhưng cũng phải để ý tính trendy của thông tin. Không ai muốn đọc lại một mẩu phóng sự cũ mèm đâu.
Thứ 5. Đặt câu hỏi.
Ví như ta muốn review một cuốn sách mà đang tìm cách liên hệ với người đọc thì đặt câu hỏi giống vậy khác gì là nói hộ lòng người rồi.
Mối tình sâu sắc nhất của bạn có gắn liền với một bài hát nào không? Một cảnh trí nào không? Như một căn phòng trong đêm mưa mùa hạ? Một chiều thu ngoài bìa rừng hoang vắng? Rừng Na-uy là tên một bài hát của nhóm nhạc Beatles nổi tiếng…. (Nguồn: Trịnh Lữ – Lời Đề Trong Rừng Na-Uy)
Thứ 6. Bắt đầu bằng băn khoăn, nỗi sợ của người đọc
Tôi thường nhận rất nhiều câu hỏi về tâm lý công sở từ các bạn chưa đi làm, mới đi làm, cho đến đi làm cả chục năm hay hơn mà vẫn gặp khó khăn. Những câu hỏi các bạn gởi về rất đa dạng:
Em sợ giao tiếp với người trong công ty
Em rất hoang mang vì ở chỗ làm người ta không tốt với nhau như em nghĩ
Em thấy mình làm gì cũng tệ
Em gặp vấn đề với sếp (rất nhiều câu hỏi về chuyện này)
Em không thể làm việc được với những người khác trong team
Em lên chức nhưng không ai trong team ủng hộ mà còn gây khó khăn cho em
Em thiếu quá nhiều kỹ năng không dẫn dắt hay quản trị được team
Em không thích công việc mình làm, rất mệt mỏi nhưng vẫn cứ làm như vậy 10 năm rồi
Em 30 tuổi rồi nhưng vẫn nhảy việc, và mỗi lần nhảy việc lại sợ hãi vì mình đang mặc chiếc áo quá rộng
Nói chung là 1001 vấn đề tâm lý của người đi làm. Cho nên, Phi Vân soạn khoá học này, giúp các bạn học và rèn luyện EI – Emotional Intelligence (Nguồn: Facebook Nguyễn Phi Vân)
Thứ 7. Bắt đầu bằng số liệu khoa học
Theo nghiên cứu của Talent Smart, EI – Emotional Intelligence – trí tuệ cảm xúc đóng góp 58% vào sự thành công trong sự nghiệp của một con người. Người có EI cao có mức lương cao hơn người bình thường trung bình 29 ngàn USD mỗi năm. Nếu thế thì ai đi làm, cũng cần học và luyện EI vì sự nghiệp ngày càng thăng tiến của mình.
Cho nên, Phi Vân soạn khoá học này như 1 cái bản đồ EI cho người đi làm, để có thể luyện theo level từ thấp lên cao, từ mới bắt đầu sự nghiệp đến lãnh đạo trung cấp và cao cấp. (Nguồn: Facebook Nguyễn Phi Vân)
Thứ 8. Gợi tính tò mò của người đọc.
Không gì chi phối mạnh bằng cái chạm vào bản năng gốc của loài người. Xưa kia Adam chỉ vì tò mò ăn trái tri thức mà bị Thượng đế đuổi khỏi vườn địa đàng đây. Hãy học cách mở bài sau.
“Khi một người nằm xuống, mang chuyện xấu của người ta ra kể thật không nên chút nào. Nhưng có một câu chuyện về Lệ Thu mà tôi nhớ mãi, và câu chuyện ấy lập tức trở lại trong lòng tôi khi hay tin cô đã sang bên kia cuộc đời để hội ngộ cùng Lam Phương, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Câu chuyện ấy do Hồ Trường An kể, nay xin thuật lại.
MUỐN BIẾT MỘT NGƯỜI TÀI NĂNG ĐẾN ĐÂU, HÃY XEM ANTI-FAN NÓI GÌ
Trong cuốn “Theo chân những tiếng hát”, Hồ Trường An kể lại mối “thâm thù” kéo dài 20 năm của mình và Lệ Thu, chỉ vì ông viết một bài trên báo, nói về mối hiềm khích giữa Lệ Thu và Thanh Lan. Không biết giữa Lệ Thu và Thanh Lan có xích mích gì nhưng một đêm nọ, Lệ Thu quyết định “chơi xấu” người đồng nghiệp. (Nguồn: Facebook Bình Bồng Bột)
8 phương cách trên nếu trong tay một người lành nghề dễ làm câu chuyện trở nên có chiều sâu, hấp dẫn người đọc ngay. Nhưng nhỡ người viết ý tứ vẫn còn lộn xộn, lại còn bày biện một cách luộm thuộm thì lại thành ra văn chương hổ lốn. Bởi vậy, một trong những lối viết được nhiều người ưa chuộng hiện nay nhất là trong viết quảng cáo là: Hãy Vào Đề Ngay.
Thứ 9. Đi thẳng vào vấn đề
- Da Latte
- Quán cafe phong cách “Tây” đầu tiên ở Hà Nội.
- Đẹp là ấn tượng đầu tiên. Deco đẹp lạ. Màu sắc xanh mint đẹp dễ chịu.
- Cafe trình bày đẹp – đa dạng lựa chọn với menu nhiều đồ uống signature của riêng quán.
- Phong cách độc – chưa quán nào ở Hà Nội đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng lifestyle phong cách Âu như Da Latte….
- (Nguồn: Facebook Thầy Nguyễn Đức Sơn)
Thứ 10. We are all storytellers
Tôi có đọc một câu chuyện hay, đại ý thế này:
Em chẳng có chuyện gì để kể hết!!! Các bạn trong lớp ngạc nhiên lắm, sao lại có người chẳng có chuyện gì thế. Nhưng chính bạn trai đó đã bảo là “không có”
“Em không có chuyện gì à…”
“Em chẳng có chuyền gì hết!” Bạn đó khẳng định lần nữa. Không phải bạn ngang bướng hay chống đối gì mà có vẻ như bạn không có chuyện gì để kể thật.
“Hahaha….” Thầy hiệu trưởng cười lớn rồi bảo
“Vậy chúng ta sẽ sáng tác chuyện nhé!”
“Sáng tác ư?” Bạn ngạc nhiên hỏi lại.
Em hãy thử nhớ lại mọi chuyện từ lúc ngủ dậy cho sđến lúc tới trường! Đầu tiên em làm gì?”. Bạn đó đưa tay gãi đầu sồn sột và bảo: “Dạ…thì..”
Thầy hiệu trưởng nói tiếp:
“Xem kìa, em vừa nói “dạ…thì..” đấy thôi. Thế là em có chuyện để kể còn gì. Sau “dạ…thì..” thì thế nào?”
Bạn đó lại gãi đầu:
“Dạ… thì… em ngủ dậy
Rồi lập tức bạn nói to: “Sau đó thì…” Tất cả mọi người cùng nhoài người ra phía trước. Bạn đó hít một hơi thật sâu và nói tiếp: “Sau đó thì… mẹ bảo đánh răng đi nên mình đánh răng.” Thầy hiệu trưởng vỗ tay các bạn khác cũng vỗ tay. Bạn đó nói to hơn:
“Sau đó thì…Sau đó thì mình đến trường”
Một anh học lớp trên mải nhoài người quá, không để ý nên ngã bổ nhào về phía trước, đập cả đầu vào hộp cơm. Nhưng tất cả mọi người đều vui.
Bạn đó có chuyện để kể.
Cách thứ 10 là dễ nhất. Ai cũng có thể thực hành theo được. Cứ kể một cách tuần tự, không cần phải rào trước đón sau gì cả. Rồi thi thoảng thêm chút đối thoại, điểm xíu vài dòng tả cảnh, tả người hay chêm thêm ít biểu cảm thì bạn có thể viết ra được như đoạn viết sau:
Admin ơi, ước mơ của bạn là gì?
Ước mơ của tôi khởi đầu từ chiếc email này.
Một ngày đầu năm 2017, tôi quyết định sẽ rời báo Bóng Đá, đặt dấu chấm hết cho chặng đường làm báo của mình, để tìm kiếm những cơ hội mới. Tôi luôn nhớ một câu nói của đạo diễn Trần Anh Hùng, muốn rời bỏ vùng an toàn, cách duy nhất là phải chặt cầu. Để không còn đường quay lại, tôi nộp đơn xin nghỉ ngay khi chưa tìm được việc làm mới. (Nguồn: Facebook Bình Bồng Bột)
Tuy vậy, tôi lại không khuyến khích các bạn phải nhớ top 10 hay top 100 kĩ thuật viết này để mà làm gì. Đọc nó, thực hành nó, rồi xé nó đi và viết lại. Nếu chúng ta cứ phải lật dở tài liệu xem mình đã viết giống những gì được dạy chưa thì chúng ta nhiều nhất chì là một tay kĩ thuật viên giỏi nghề, không thăng hoa với nghề được.
Bạn nghĩ vì sao Pixar được mệnh danh là làm phim hoạt hình cho trẻ con nhưng đến cả người lớn cũng thích? Bộ phim Monsters INC oanh tạc phòng vé một thời là vì con quái vật xanh lè và cô nhóc tinh nghịch ư?
Không, đó là câu chuyện về một người cha chăm sóc đứa con gái bé bỏng của mình. Và với thứ như vậy thì không một tay kĩ thuật viên nào biết được. Cảm xúc thì chỉ có người nghệ sĩ là bạn mới hiểu được thôi.
Nói theo Pixar: We are all storytellers. Nói theo Totto-chan: Sau đó thì… Bạn có muốn là người như cũ cũng không được nữa rồi
Chia sẻ của Phong Lê