Mục lục
Ngày mới bắt đầu luyện viết, mình quyết tâm mỗi ngày viết một bài. Viết được 12 ngày thì bị bí ý tưởng, không biết viết gì thêm. Mình thấy rằng nhiều bạn mới bắt đầu luyện viết lách cũng gặp phải vấn đề này.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn 9 chủ đề và ý tưởng để viết content. Với những chủ đề này bạn sẽ luôn luôn có thứ gì đó để viết. Bạn có thể dựa vào danh sách các chủ đề này để lên kế hoạch nội dung cho bản thân, cũng như cho công ty của bạn.
Kể chuyện
Ai cũng thích nghe kể chuyện. Các câu chuyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ của chúng ta. Lớn lên thì ta học các câu chuyện trong văn học và lịch sử. Ra đời thì ta nghe các câu chuyện của bạn bè, đồng nghiệp.
Cuộc sống của chúng ta xoay quanh những câu chuyện, vì thế hãy kể ra những câu chuyện đó. Chắc chắn nhiều người sẽ thích thú theo dõi các câu chuyện của bạn. Có những loại chuyện sau đây để bạn kể:
Câu chuyện của bạn
Những chuyến đi phượt, Kỷ niệm tuổi thơ, tuổi học trò, thời sinh viên.Dự án thú vị. Thất bại hay thành công của bạn. Cuộc gặp gỡ hoặc một sự kiện đáng nhớ, có ý nghĩa với bạn…
Tôi có bạn nhân viên viết về cách bạn ấy tập dậy sớm, được rất nhiều tương tác. Một bạn khác viết về những sai lầm và bài học thời sinh viên cũng được tương tác rất tốt.
Câu chuyện của doanh nghiệp
Một casestudy nào đó của doanh nghiệp. Câu chuyện đằng sau một sản phẩm, dịch vụ. Câu chuyện thương hiệu. Câu chuyện của những founder. Câu chuyện của những nhân viên lâu năm, nhân viên mới vào doanh nghiệp của bạn. Câu chuyện về những khách hàng trung thành, hoặc một khách hàng trời đánh nào đó…
Câu chuyện của một người khác
Bạn cũng có thể dùng những câu chuyện của người khác, như của bạn bè, của người nổi tiếng, của danh nhân trong quá khứ để truyền tải thông điệp của bạn.
Bản thân những câu chuyện của người nổi tiếng đã có sức cuốn hút rất lớn rồi, bạn chỉ cần khéo léo lồng ghép các thông điệp của bạn, hoặc của doanh nghiệp bạn vào là sẽ có một bài viết lôi cuốn và hiệu quả.
Mô tả và tự sự
Bạn có thể mô tả những thứ rất thân thuộc trong cuộc sống chúng ta, kèm theo đó là đôi dòng tự sự của bạn. Vì dụ bạn có thể mô tả về ly cà phê, ly trà sữa, một bông hoa, một chiếc xe đạp, về bầu trời, chuyến xe bus sáng nay, cây viết bạn vẫn hay dùng, cuốn sổ ghi chú của bạn, chú bảo vệ, sếp, đồng nghiệp, khách hàng… kèm theo đó là vài câu mô tả cảm xúc của bạn với chủ thể được mô tả đó.
Review
Cũng giống như kể chuyện, review là loại nội dung mà hầu như ai cũng thích. Các nội dung review khơi gợi sự tò mò của độc giả. Họ tò mò về thứ được review, và tò mò về thế giới quan của bạn. Khi đọc review, họ không chỉ biết thêm về chủ thể được review, mà họ còn hiểu hơn về bạn.
Có 3 loại review chính để bạn có thể dễ dàng tạo ra nội dung. Đó là review phim, review sách, review về một sản phẩm/dịch vụ nào đó (quán trà sữa, bánh bông lan…).
Phân tích và phản biện
Xung quanh chúng ta có vô vàn thứ để bạn phân tích hoặc phản biện. Bạn có thể phân tích tại sao chương trình Rap Việt lại thành công đến vậy. Tại sao giới trẻ lại cuồng trà sữa. Tại sao con người ngày càng phụ thuộc vào điện thoại đi động. Tại sao chương trình Hoa Hậu Việt Nam ngày càng ít người theo dõi.
Loại nội dung này khá khó, nó yêu cầu bạn phải có khả năng hành văn logic và chặt chẽ, hơn thế nữa bạn phải có kiến thức rất vững về vấn đề bạn phân tích và phản biện. Loại nội dung này nếu bạn viết không tới nơi tới chốn thì rất dễ bị dân chúng ném đá.
Danh sách tổng hợp
Bạn có thể tổng hợp những danh sách thông tin có lợi ích cho cộng đồng của bạn. Ví dụ: 10 tiệm cà phê bình dân nhưng nghệ thuật ở quận 10. 5 cuốn sách dành cho người thất tình. 12 nơi check in sống ảo tại Đà Lạt. 20 tin tức hay trong tuần…
Viết bài quảng cáo
Bên cạnh những bài chăm sóc cộng đồng, bạn cũng nên viết các bài quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ của mình. Hãy tập viết ngắn trước khi viết những bài quảng cáo dài.
Công thức viết bài quảng cáo cơ bản nhất là AIDA, bạn có thể tìm hiểu thêm về công thức này và áp dụng vào bài quảng cáo của bạn.
DIY – Hướng dẫn làm điều gì đó
DIY – Do it yourself là loại nội dung mà bạn sẽ hướng dẫn độc giả của mình làm một thứ gì đó từ đầu đến cuối. Hãy hướng dẫn những thứ đơn giản, làm sao mà người đọc có thể làm được ngay sau khi đọc.
Ví dụ: Hướng dẫn làm bánh cookie dâu. Hướng dẫn nướng bánh trung thu bằng nồi cơm điện…
Trend
Những nội dung bắt trend luôn có tỷ lệ tương tác rất cao. Tuy nhiên, mình không thích đu trend một cách hời hợt, a dua. Khi bắt trend, mình luôn tìm cách lèo lái trend về thông điệp của doanh nghiệp/bản thân mình muốn truyền tải.
Nội dung chuyên môn
Bạn hãy đơn giản hóa các kiến thức chuyên môn của mình lại và chia sẻ chúng với cộng đồng. Bài chuyên môn nó sẽ có sự lai trộn giữa bài phân tích và bài DIY. Trong bài chuyên môn bạn phải giải thích được các khía cạnh chuyên môn cho người đọc hiểu, sau đó hướng dẫn họ làm một điều gì đó có ích.
Bài chuyên môn sẽ giúp cộng đồng tin tưởng hơn vào chuyên môn của bạn. Nếu bạn viết dạng bài này liên tục, cung cấp kiến thức có ích đều đặn thì cộng đồng sẽ coi bạn như một chuyên gia trong lĩnh vực bạn chia sẻ.
Với 9 chủ đề trên, chắc chắn bạn sẽ luôn có ý tưởng để viết/tạo nội dung hàng ngày.
Bạn nên cố gắng viết ít nhất mỗi ngày 1 bài, luyện tập đều đặn trong 3 tháng thì bạn sẽ thấy kỹ năng viết của mình cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, nếu như bạn chia sẻ bài viết của bạn hàng ngày, chắc chắn lượng tương tác trên Facebook của bạn cũng sẽ tăng dần theo kỹ năng viết của bạn. Đây có thể coi là một phần thưởng nho nhỏ, một sự công nhận của cộng đồng với những cố gắng của bạn.
Chia sẻ của Nguyen Hoang Duc