Số 1. Già trẻ lớn bé ai cũng có 3 nỗi sợ hãi kinh điển: Thời gian, Tình yêu và Cái chết. Bí quá không có ý tưởng gì, không biết bắt đầu từ đâu thì có thể bám vào 3 thứ này.
Số 2. Với bài quảng cáo bán hàng, đôi khi đừng chỉ nói cái được, hãy nói cả cái không được. Ví dụ: không dành cho anh hôi nách, trị hôi chân, không dành cho người yêu cũ ABC XYZ,…
Số 3. Hài hước một chút, thế giới sẽ khác đi. Một trong số những công thức khiến content của bạn được lan truyền lên tận thiên đình chính là: (Con số) + Giá trị hữu ích + Hài hước. “Đến Thượng đế cũng phải cười” còn rì.
Các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến tang lễ thì thôi đừng nhé! Nhắc không cả lại bảo là không nhắc.
Số 4. Con số và con số trong tiêu đề. Thấy nhiều thấy rẻ, đa số vẫn bị thu hút và ham hố nhé ạ.
Số 5. Ngoài các tips như dùng từ bạn, dùng tính từ, đặt câu hỏi tại sao vì sao, cảnh báo hậu quả nếu bỏ lỡ… khi viết tiêu đề hãy cố gắng chỉ ra: nỗi đau + nhóm khách hàng mục tiêu.
Ví dụ: Stress vì mụn, hãy làm ngay 3 điều đơn giản này trước khi quá muộn
Bí ý tưởng tặng quà cho…, đừng bỏ qua 13 gợi ý này
Số 6. Chân thành, chân thành và chân thành. Cái gì quan trọng phải nhắc lại 3 lần. Nỗ lực viết ra thứ có giá trị tích cực, gieo/bán ra niềm tin hy vọng nào đó. Không nhớ chính xác câu này từng bắt gặp ở cuốn sách nào nhưng thấy khá thích: Trong nhà máy, bạn có thể sản xuất son môi nhưng khi bán ra thì hãy bán hy vọng về cái đẹp.
Số 7. À mà, luôn nhớ này: Thay vì đem đến cho người đọc thứ bạn có, hãy mang lại cho họ thứ họ cần. Ví dụ: con người cần ăn uống nghỉ ngơi, cần cảm thấy được an toàn, cần được khen, cần được công nhận, cần được thuộc về một nhóm nào đó,…
Số 8. Đôi khi cũng nên chửi duyên chửi dáng vào nhé. “Chửi” cho khách hàng sáng mắt ra.
Số 9. Có nhiều từ sẽ bị hạn chế trong bài viết quảng cáo. Search Google để biết mà tránh nhé. Không lại trách anh Mark là sao anh vô tình.
Số 10. Ngắn dài không thành vấn đề. Vấn đề là nội dung đó hướng đến ai và để làm gì.
Số 11. Để người khác góp chuyện (bình luận) trong bài viết của bạn, hãy mở toang cổng nhà ra cho họ vào. Ví dụ: hình ảnh có cảm xúc/câu chuyện/dễ thương/hài hước,…; tiêu đề gây sự chú ý, content với chủ đề cho mọi nhà (học cách làm vợ chồng, bài học cuộc sống, kiếm tiền, làm sao để hạnh phúc,…)
Số 12. 3 câu hỏi nên trả lời trước khi viết: Who? (viết cho ai?), Why (viết để làm gì?), What (đọc xong bài này khách hàng sẽ làm gì, hiểu biết gì về thương hiệu của bạn).
Số 13. Xem nhiều nghe nhiều, sách thì đọc đa dạng cũng được. Rồi follow các cá nhân, tổ chức có phong cách viết hay/phù hợp với mình, join các group công khai/vùng kín đôi khi chẳng liên quan tới ngành hàng lĩnh vực,… Google Trends cũng là một công cụ không tồi để xem mọi người đang nói nhiều về thứ gì.
Túm lại thì, đầy rẫy kênh/công cụ có thể giúp mình cải thiện kĩ năng viết. Khi có mong muốn & tinh thần chủ động (tìm kiếm, quan sát, học hỏi, rèn luyện,…), bạn sẽ có cách nhé. Không tìm thấy cách thì qua tôi chữa cho =)))
Một số kinh nghiệm ngắn gọn khác:
Số 14. Lưu file trước khi viết
Số 15. Cách đoạn để dễ nhìn
Số 16. Kiểm tra trích dẫn, con số cẩn thận
Số 17. Câu nào thấy thừa thì mạnh tay bỏ đi. Đừng tiếc.
Số 18. Có thể thử: Hạn chế “thời – đối – giá” (thời gian, đối tượng, giá cả)
Số 19. Ảnh minh họa nên chọn mấy cái có khoảng trống để còn chèn chữ vào
Số 20. Mấy chủ đề như: tình yêu hôn nhân gia đình mối quan hệ, kiếm tiền hạnh phúc độc lập tự chủ thành công vẫn chưa bao giờ hết hot
Số 21. Comment của cư dân mạng (trong các bài/video của các kênh hot hot) thường thú vị phết.
Số 22. Lâu lâu có thể đăng lại bài (có thời gian thì thiết kế lại ảnh, thêm cái nọ bớt cái chai,…). Dân tình nhanh quên lắm.
Số 23. Sáng tạo cần lắm Kỷ luật. Rèn luyện hàng ngày không thành công thì cũng thành nhân. Không được nữa, thì mình thành công nhân. Sợ đếch gì.
Đời người content có lúc lên voi có lúc xuống ít tương tác. Những lúc như vậy, thôi thì chỉ biết động viên rằng: Đừng buồn nhé, hãy khóc to lên nào.
Chia sẻ của Thanh Cao.