Bạn đẻ ra một đứa con. Bạn không có quyền thay đổi hình hài đứa bé. Thế mà bạn vẫn có thể đặt tên con và chuẩn bị quần áo trước khi đứa bé ra đời. Thương hiệu và sản phẩm thì khác. Sản phẩm có thể thay đổi cả về kiểu dáng, kích thước, trọng lượng, chất lượng, đặc tính kỹ thuật, thành phần cấu tạo… nhiều lần trước khi tung ra thị trường.
Và sự thay đổi ấy không phải tự nhiên mà có. Nó phụ thuộc vào thương hiệu đi cùng với nó. Nếu bạn chọn tên thương hiệu là Thị Nở, phục vụ cho một nhóm khách hàng bình dân, bạn phải thiết kế sản phẩm, cả kiểu dáng lẫn chất lượng cho tương thích với cái tên Thị Nở.
Nếu bạn đặt tên thương hiệu là Hằng Nga hay Mỹ Nữ, bạn phải thiết kế sản phẩm theo hướng xinh đẹp, quý phái cho tương thích với cái tên Hằng Nga hay Mỹ Nữ.
Nếu bạn đặt tên thương hiệu là X-men, sản phẩm của bạn phải mạnh mẽ, nam tính, có mùi hương đàn ông. Ngược lại, nếu bạn chọn tên thương hiệu là Miss Saigon, bạn phải làm cho sản phẩm của bạn trông yêu kiều, nữ tính và có mùi hương nữ tính.
Nếu tên gọi là “Bún bò rất Huế”, thì quán và bún phải thuần phong cách Huế. Nếu thương hiệu là “Phở gốc Hà Nội” thì quán và món phở phải theo phong cách Hà Nội.
Thương hiệu phải đi trước sản phẩm là vì lẽ đó. Sản phẩm phải điều chỉnh theo tên gọi và định vị thương hiệu. Và sau cái tên, bạn còn phải làm nhiều thứ khác như bao bì, logo, màu sắc, hình ảnh, thông điệp truyền thông theo đúng chiến lược và định vị thương hiệu trước khi hoàn thiện sản phẩm và tung ra thị trường.
Tôi giải thích vậy có thể trái ngược với điều bạn từng học, từng nghe, nhưng bạn nghe lọt lỗ tai không?
Chia sẻ của Long Nguyen Huu