Bạn định bán bất kỳ sản phẩm nào (ngoại trừ các sản phẩm đổ đống ra bán như cát, đá, xà bần, rau cá ngoài chợ…) một cách nghiêm túc, bạn phải có bao bì, tên gọi, nhãn hiệu, logo màu sắc, thông điệp ghi trên bao bì.
Bạn phải chọn khách hàng mục tiêu và bạn phải định vị cho sản phẩm của bạn để khách hàng hiểu nó là thứ gì, dành cho ai, đem lại giá trị gì cho họ… Và bạn phải có cách thức truyền thông, tức làm cách nào để cho khách hàng hiểu và nhớ về sản phẩm của bạn.
Những hoạt động sơ khởi này, dù làm bài bản, chuyên nghiệp, hay làm vừa phải, tiết kiệm thì cũng phải làm, và đó chính là “làm thương hiệu” trước khi bạn tung sản phẩm ra thị trường hàng loạt để bán. Nếu bạn không làm gì cả, mà cứ đưa sản phẩm không bao bì, không nhãn mác, không ghi bất kỳ thông điệp nào để giải thích về sản phẩm, bạn cũng sẽ thành công nếu… gặp may.
Nếu là bạn, bạn có dám mua dùng những sản phẩm không có tên gọi, không logo, không bao bì, nhãn mác, không có thông điệp gì để truyền thông hay giải thích về nó hay không? Câu trả lời ắt đã rõ.
Vậy nên, tôi mới nói là hãy làm thương hiệu cho kỹ trước khi tung sản phẩm hàng loạt ra thị trường để bán là vậy. Ngay cả khi bạn đưa một ít sản phẩm ra thị trường để test thử thì kết quả khi test một sản phẩm có thương hiệu và bao bì chỉn chu cũng sẽ khác với một sản phẩm không có nhãn mác, bao bì!
Sản phẩm vô hình như phần mềm thì sao? Kể cả sản phẩm vô hình thì cũng phải có tên gọi, có khách hàng mục tiêu, có định vị, có catalogue, brochure, trang web giới thiệu, có file để trình bày bán hàng (sales presentation), có thông điệp để chào bán. Và những món ấy chính là “làm thương hiệu” cho nó trước khi đem ra chào bán.
Bạn bán hàng trước làm thương hiệu sau cũng không sao. Kết quả mới cho thấy có sao! Đừng thấy một vài người làm ẩu, làm bừa hay vì không hiểu cách làm mà vẫn thành công rồi ngộ nhận (người khiếm thị, dù không nhìn thấy, nhưng nếu may mắn vẫn có thể đoán được màu sắc mà).
Ngay cả sản phẩm rau, cá, trái cây không nhãn mác ngoài chợ cũng cần thương hiệu. Thương hiệu đó là gì? Đó là chỗ bày bán, sạp / quầy số mấy, nằm ở chỗ nào, người bán tên gì, có đặc điểm gì để nhận diện;
Là cách thức bày bán, tác phong, thái độ người bán, cách rao, mời, giải thích về sản phẩm, xuất xứ sản phẩm (ví dụ rau Đà Lạt, xoài cát Hòa Lộc, vải Bắc Giang, cam sàng Hà Giang, cá cơm Phan Thiết, khoai lang tím Vĩnh Long… ), và uy tín cá nhân (thương hiệu cá nhân) của người bán…
Tôi giải thích vậy, bạn nghe lọt lỗ tai không? Thương hiệu phải xây dựng dài dài, nhưng bước đầu tiên trước khi đưa sản phẩm ra thị trường là rất quan trọng!
Chia sẻ của Long Nguyễn Hữu