Có người bảo khi thị trường đã có thương hiệu mạnh chiếm lĩnh, thương hiệu ra sau có nỗ lực bao nhiêu cũng vô ích vì người tiêu dùng đã quen với thương hiệu cũ.
Chỉ có cách là mua lại thương hiệu mạnh, làm cho nó yếu, rồi giết nó đi thì mới có thể xây dựng thương hiệu mới thành công (!?).
Tôi nghe mà bàng hoàng, không thể tin lại có cái tư duy kỳ cục như vậy được loan truyền!
Còn nhớ, ngày xưa, các bình luận viên bóng đá và các phóng viên thể thao cứ luôn miệng nói câu “PHONG ĐỘ LÀ NHẤT THỜI, ĐẲNG CẤP LÀ MÃI MÃI”.
Và cứ mỗi lần Việt Nam thua Thái Lan, họ lại đổ thừa cho đẳng cấp. Tôi còn nhớ HLV Kiatisak của Thái Lan còn nói bóng đá Việt Nam hàng chục năm sau cũng chưa thể đạt đẳng cấp của Thái Lan.
Thời ấy, tôi là người đầu tiên đưa ra câu nói: “PHONG ĐỘ LÀ HIỆN THỜI, ĐẲNG CẤP LÀ QUÁ KHỨ!”, và luôn nói rằng không có cái đẳng cấp nào là mãi mãi. Đừng mang cái suy nghĩ tiêu cực và tinh thần bạc nhược ra sân thi đấu.
Lúc nào cũng nghĩ Thái Lan ở đẳng cấp trên mình thì còn đâu tinh thần và ý chí chiến đấu. Và bạn thấy đấy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, với việc CHỌN ĐÚNG ĐƯỜNG VÀ ĐI ĐÚNG CÁCH, ông Park Hang Seo đã đưa bóng đá Việt Nam vượt lên cái bóng của Thái Lan nhiều lần, và giờ còn đang giữ thế “cửa trên” Thái Lan là khác!
Thương hiệu cũng vậy. Sinh sau, đẻ muộn tuy có bất lợi, nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Nếu biết chọn đúng đường và đi đúng cách, việc đuổi kịp và vượt đối thủ mạnh là điều hoàn toàn có thể.
Có rất nhiều thương hiệu Việt ra đời không lâu đã đuổi kịp và vượt những thương hiệu toàn cầu có mặt ở Thái Lan từ rất lâu. Họ đã làm điều đó thể nào? Chỉ đơn giản là nhờ họ chọn đúng đường và đi đúng cách.
Chọn đúng đường và đi đúng cách là gì? Là chiến lược đúng và thực thi giỏi, chứ không là gì khác.
Thương hiệu mạnh bắt đầu từ đâu? Tôi đã trả lời nhiều lần: TỪ MỘT CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU ĐÚNG!
Vâng, thương hiệu mạnh bắt đầu từ một chiến lược thương hiệu đúng (sau đó là thực thi giỏi), chứ không phải từ một sản phẩm chất lượng cao như nhiều người vẫn nghĩ đâu nhé!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu