Bà Bảy hàng xóm khởi nghiệp, muốn mở quán bún bò. Việc đầu tiên bà làm không phải là mở quán, nấu bún thật ngon, và cứ thế mà bán. Việc đầu tiên bà làm là suy nghĩ xem bún của bà sẽ bán cho ai (công nhân, giới lao động, nhân viên văn phòng, hay công chức, viên chức nhà nước…)
Nếu bà chọn nhóm nhân viên văn phòng, bà sẽ phải thuê mặt bằng ở gần khu cao ốc văn phòng. Nếu bà chọn công nhân thì phải tìm mặt bằng ở khu công nghiệp. Kế đến, bà lại cân nhắc xem làm gì để cạnh tranh và thu hút khách.
Nhiều thịt bò hơn? Thêm giò heo? Hương vị kiểu Nam Bộ hay thuần chất Huế? Rau sống phải “sạch tinh tươm” hay thật nhiều chủng loại? Dùng chiêu phục vụ “thanh nữ dịu dàng” hay “thanh niên nhanh nhẹn”?.. Rồi chọn tên quán là gì? “Bún bò Bà Bảy”, “Bún bò Thanh Nữ”, “Bún bò Rất Huế”, hay “Bún bò Tàu Bay”…? Mỗi cái tên đều phụ thuộc vào việc bà sẽ định vị cho bún của bà thế nào.
- Nếu định vị là bún bò thuần Huế, dành chủ yếu cho khách hàng miền Trung, bà sẽ chọn tên “Bún Bò Rất Huế”.
- Nếu định vị là bún bò dành cho thanh niên trai tráng, độc thân, bà sẽ dùng “Bún Bò Thanh Nữ”.
- Nếu định vì là bún “không no, không lấy tiền”, bà sẽ đặt tên quán là “Bún bò Tàu Bay”, “Bún bò Tên Lửa”, hay “Bún bò Xe Tăng”…
Kế đến, bà phải thuê thiết kế bảng hiệu sao cho oách, cho bắt mắt, hơn hẳn mấy cái bảng hiệu tuềnh toàng của mấy cái quán lân cận. Bà sẽ chọn gam màu đỏ bắt mắt hay màu xanh tươi mát? Bà sẽ cho vẽ tô bún bò bốc khói hay là cô thanh nữ xinh xắn miệng cười tươi như hoa, tay bưng một tô bún bò xinh xinh?
Bà sẽ cho viết gì trên đó? Đương nhiên là tên quán rồi, nhưng còn gì nữa? Có thể là “Giá rẻ bất ngờ” hay “Thơm ngon bổ rẻ”. Có thể là “Đậm đà chất Huế” hay “Trẻ trung, tươi mát”. Hay có thể đơn giản là “À đây rồi!” hay “Không no, không về!”…
Rồi phải đặt thêm một cái bảng đứng nho nhỏ để dựng ven đường. Màu sắc gì, hình ảnh gì, lại phải đau đầu lựa chọn. Rồi bàn ghế bên trong nên làm bằng inox, nhựa (mủ), hay bàn ghế gỗ cổ điển…? Rồi tranh ảnh trang trí, thực đơn, đèn đuốt, quạt mát, máy lạnh…
Nên bố trí thế nào, màu sắc ra sao… Rồi trang phục nhân viên bưng bê – bikini, váy ngắn áo thun, hay áo bà ba hai lúa? Rồi có nên cử một cô bé xinh tươi hay một “thanh niên 6 múi” ra đứng trước cửa vẫy chào, chèo kéo khách. Cô ấy sẽ nói câu gì để mời chào, truyền đạt thông điệp gì để thu hút khách…
Toàn bộ những thứ trên và còn nhiều thứ khác nữa đều được xem là những hoạt động xây dựng thương hiệu sơ khởi. Bà Bảy phải nghĩ và quyết định TRƯỚC, rồi mới thuê mặt bằng, tuyển nhân viên để mở quán. Nếu bà quyết định sau khi thuê mặt bằng và nấu bún để bán thì có thể bà sẽ ân hận vì phải làm lại từ đầu.
Bắt đầu làm thương hiệu ngay từ giai đoạn TRƯỚC khi tung sản phẩm là vậy đó! Lẽ đương nhiên, xây dựng thương hiệu là việc lâu dài, phải làm hoài, làm mãi; Nhưng những bước đi đầu tiên (trước khi tung sản phẩm hàng loạt ra thị trường) là rất quan trọng!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu