Mục lục
Bạn cảm thấy “phổi” của mình đang kiệt quệ do “hít hà drama” không kịp thở vì sức nóng của các vụ bóc phốt đầy trấn động trong Showbiz?
Nhưng dù drama chẳng mấy khi đúng giờ hành chính, bạn và số đông cư dân mạng vẫn dành hàng giờ để bàn tán về câu chuyện xoay quanh người nổi tiếng.
Đặc biệt là những lần “đào mộ” quá khứ của Idol luôn tạo nên làn sóng tranh cãi và tẩy chay dữ dội. Bạn đã tự hỏi tại sao mình lại bị thu hút bởi những điều đó hay chưa???
Milkshake duck quá khứ sai trái bị phanh phui
Cụm từ “Milkshake Duck” được ra đời vào năm 2016, khi Ben Ward một biếm hoạ người Úc, lấy bút danh @pixelatedboat chia sẻ trên twitter của mình.
Milkshake Duck là một meme chỉ những người nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ một tính cách hay việc làm tích cực nào đó, nhưng không lâu sau, một quá khứ không mấy tốt đẹp của họ bị cộng đồng mạng “phanh phui”.
Sau khi bị “milkshake ducked”, khả năng cao là người nổi tiếng đó sẽ bị cộng đồng quay lưng và hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề.
Hiện tượng này một phần liên quan đến văn hoá bài trừ (cancel culture), khi cộng đồng mạng cùng kêu gọi nhau tẩy chay người nổi tiếng sau khi một hành vi sai trái của họ bị công khai.
Mối liên hệ của milkshake duck và văn hoá bài trừ
Văn hoá bài trừ (cancel culture) là hình thức tẩy chay một người nào đó, thường là người nổi tiếng, vì họ có một quan điểm hoặc một hành động gây tranh cãi.
Việc tẩy chay ở đây có nghĩa là họ bị một lượng lớn người phản đối, chỉ trích, đôi khi dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng người hâm mộ, hoặc ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của người đó.
Việc tẩy chay này thường bắt đầu khi một người bày tỏ quan điểm về những vấn đề dễ gây tranh cãi như phân biệt chủng tộc/ phân biệt giới tính/ LGBT/ người chuyển giới/ bài ngoại.v.v
Thông thường, đây là những điều mà người đó đã nói từ quá khứ xa xôi, cộng đồng mạng tìm thấy và đăng lại. Đó có thể là ảnh chụp màn hình một caption, một đoạn tweet, một video cũ hoặc thậm chí chỉ là một comment về vấn đề được đề cập.
Milkshake Duck và văn hoá bài trừ có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong việc cộng đồng mạng “lôi” lại những sự việc, phát biểu, hình ảnh,…từ quá khứ để làm lý do khiến họ quay lưng với nghệ sĩ, nổi tiếng. Điểm khác nhau nằm ở đối tượng của việc tẩy chay.
Trong khi Milkshake Duck thường là những hiện tượng mạng xã hội nổi lên bất ngờ, thì văn hoá bài trừ lại tập trung vào những nghệ sĩ/ người có tầm ảnh hưởng lớn đã hoạt động lâu trong ngành.
Milkshake duck và văn hoá bài trừ là tốt hay xấu?
Tất nhiên, chuyện gì cũng sẽ có hai mặt tốt và xấu, nhất là khi những hành vi này chủ yếu được thể hiện trên mạng xã hội. Nơi vốn dĩ không phải là môi trường an toàn lý tưởng cho bất kỳ ai.
Một người có tầm ảnh hưởng, khi có quan điểm sai lệch hoặc phát ngôn/ hành vi sai trái về vấn đề mang tính xã hội đều phải chịu trách nhiệm trước công chúng.
Tuy nhiên, nếu hành vi này đi quá giới hạn sẽ trở thành hành vi bắt nạt trên mạng xã hội gây nên những hậu quả nặng nề. Suy cho cùng, ai trên đời cũng từng vướng mắc sai lầm, người nổi tiếng cũng tương tự khi trước đây họ còn quá trẻ để nhận thức được phát ngôn của mình có sức ảnh hưởng như thế nào.
Hay có vài trường hợp người nổi tiếng bị bài trừ một cách oan ức, phải có sự can thiệp của trị liệu tâm lý, thậm chí trường hợp xấu nhất là chọn cách tự tử để giải thoát cho mình.
Ai cũng muốn được “lột bỏ” lớp hào nhoáng bên ngoài của người nổi tiếng, bởi sự tò mò về cuộc sống riêng tư và những khiếm khuyết nào đó của họ.
Nhưng hãy là cư dân mạng văn minh bằng cách sẵn sàng bác bỏ quan điểm/ phát ngôn/ hành vi sai trái, đồng thời biết dừng lại đúng lúc trước khi quá muộn.
Vô tình buông ra những lời cay đắng khắc nghiệt trên mạng xã hội cũng là hành vi vi phạm pháp luật đấy nhé!
Chia sẻ của Đức Thành