Mục lục
Bất kể ai khi nhập môn, cũng có khi đã viết được một thời gian vẫn mắc phải một số sai lầm cơ bản. Một trong số đó là nhầm lẫn giữa văn nói và văn viết trong Content. Đừng vội học kiến thức xa xôi hay những công thức nghe có vẻ “Bá đạo” khi những thứ căn bản còn chưa nắm vững.
Văn nói
Văn nói hay còn gọi là khẩu ngữ (parlando), thường là nghĩ sao thì nói vậy. Tuỳ theo văn cảnh, đối tượng, trạng thái tâm lý, cảm xúc mà cách nói cũng khác nhau.
Khi bạn nói chuyện, bạn có thể dùng lời nói bất tuân quy luật. Bạn không cần tuân đúng mệnh đề dài dòng nhưng vẫn khiến người đối diện hiểu nội dung. Khi nói, mọi quy tắc đều có thể lược bớt khiến việc giao tiếp dễ chịu hơn, phù hợp với trình độ, văn hóa người đối diện hơn.
Thêm nữa do đặc thù hơi thở của mỗi người mà nói được câu dài hay câu ngắn. Ca sĩ có hơi dài hát được 1 đoạn dài mới phải nghỉ, nhưng người thường hát đoạn đó có khi phải nghỉ mấy lần. Do vậy việc nghỉ quãng của người thường không đồng nghĩa với câu hát dài đó mặc định phải nghỉ theo.
Văn viết
Khác với văn nói, văn viết phải tuân theo các quy tắc ngữ pháp Tiếng Việt (Ngày nay có thêm quy tắc trình bày văn bản trên Word). Văn viết cần ngắt, nghỉ đúng chỗ, tuân thủ đúng cấu trúc câu để câu văn không bị thiếu nghĩa, thô cứng hay giật cục. Ta có một số cấu trúc câu nối cơ bản Tiếng Việt như sau:
- Không những…Mà còn…
- Vì…Nên
- Dù…Nhưng…
- Do…Nên…
- Bởi…nên…
Lỗi nhầm lẫn giữa văn nói và văn viết
Trong viết bài, kể cả với báo chí, nhiều người cầm bút lẫn lộn mà không phân biệt được văn viết và văn nói. Tình trạng sử dụng khẩu ngữ trong bài viết rất phổ biến. Một đoạn viết thế này có thể tìm thấy ở bất kì đâu, kể cả một số tờ báo lớn, uy tín:
“Đã có bao giờ Việt Nam ở vào vận hội lớn trong việc làm ăn và phát triển kinh tế như lúc này. Cũng làm gì có nhiều thách thức lớn như sắp tới. Nhưng không sao. Càng khó khăn, càng thử thách, chúng ta càng không ngán. Mà việc gì phải ngán? Ngán thì còn làm ăn được gì…”.
Không hiểu nổi đoạn văn như thế lại được duyệt để đăng. Đó là khẩu ngữ, là văn nói chứ không phải văn viết. Đoạn văn trên cần viết lại như sau:
” Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới, đi liền với thời cơ là muôn vàn thách thức. Nhưng chúng ta không hề nao núng vì càng khó khăn, chúng ta lại càng bản lĩnh; càng nhiều thử thách, chúng ta càng muốn vượt lên!”
Một ví dụ cụ thể về văn nói khác khi tôi làm việc với Cộng tác viên viết Content:
“Tinh dầu bưởi là loại tinh dầu rất tốt cho tóc. Bởi tinh dầu bưởi giúp tóc mọc nhanh dài và khỏe mạnh. Khi thiếu dưỡng chất, tóc bạn sẽ dần yếu đi, khô xơ, gãy rụng. Nên sử dụng tinh dầu bưởi là cần thiết. Hoặc bạn có thể bổ sung dinh dưỡng qua ăn uống hàng ngày.”
Tình trạng này gặp rất phổ biến, đôi khi gặp ở cả những người viết bài lâu năm. Đoạn văn trên cần sửa lại như sau:
“Tinh dầu bưởi rất tốt cho tóc, bởi nó giúp tóc mọc nhanh dài và thêm phần chắc khỏe. Khi thiếu dưỡng chất, tóc bạn sẽ dần yếu đi, khô xơ và gãy rụng. Bạn có thể sử dụng tinh dầu bưởi, kết hợp với việc bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày để tóc nhanh mọc dài trở lại”.
Việc tuân thủ đúng nguyên tắc sử dụng câu trong văn viết vừa thể hiện sự tinh tế, chuyên nghiệp, vừa là sự tôn trọng với người đọc. Chưa cần đi học những kiến thức cao xa gì về Content, hãy học ngay từ những điều cơ bản nhất.
Bạn hãy xem xét lại xem mình có mắc phải lỗi dùng văn nói trong văn viết không nhé! Chúc các bạn thành công!
Chia sẻ của Bùi Minh Trang